Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường vàng lớn nhất thế giới bất ngờ tê liệt

Theo Dântrí| 24/03/2012 09:56

Từ thứ Bảy tuần trước, các cửa hàng vàng của Ấn Độ đồng loạt ngưng hoạt động để phản đối quyết định của Chính phủ nước này tăng gấp đôi thuế nhập khẩu vàng.

Từ thứ Bảy tuần trước, các cửa hàng vàng của Ấn Độ đồng loạt ngưng hoạt động để phản đối quyết định của Chính phủ nước này tăng gấp đôi thuế nhập khẩu vàng.


Ấn Độ là nước chiếm hơn 3/4 tổng nhu cầu vàng của thế giới, nên việc nước này đột ngột ngừng các giao dịch vàng đã góp phần khiến giá vàng quốc tế đi xuống.

Theo báo Wall Street Journal, đã gần 1 tuần nay, thị trường vàng Ấn Độ hoàn toàn tê liệt. Đây là kết quả của việc các nhà kinh doanh vàng nước này đình công sau khi Bộ Tài chính Ấn thứ Sáu tuần trước tuyên bố nâng thuế nhập khẩu vàng lên 4% từ 2% trước đó, đồng thời áp thuế 0,3% đối với các giao dịch vàng nữ trang. Dự kiến, các mức thuế mới này sẽ được áp dụng từ đầu tháng 4 tới khi năm tài khóa mới của Ấn Độ bắt đầu.

Kể từ khi thị trường vàng Ấn Độ ngưng hoạt động tới ngày 22/3, giá vàng giao sau trên thị trường quốc tế đã giảm khoảng 1%.

Ở Ấn Độ, vàng giữ vai trò rất quan trọng về mặt văn hóa: cha mẹ tặng vàng cho con gái khi đi lấy chồng, và kim loại này cũng là món quà tặng phổ biến trong các dịp lễ tôn giáo. Vàng còn là một tài sản đầu tư hàng đầu của người Ấn. Theo giới phân tích, lực mua vàng của người tiêu dùng Ấn Độ rất quan trọng đối với việc hỗ trợ giá vàng quốc tế, và nếu lực mua này suy giảm kéo dài, thì vàng thế giới mất đi một trụ cột nâng đỡ quan trọng.

“Các nhà đầu tư kỳ vọng vào sự lên giá của vàng vẫn đang chờ vào sự gia tăng nhu cầu vàng của Ấn Độ”, ông Jon Nadler, nhà phân tích thuộc công ty kim loại quý Kitco Metals, nhận định.

Trong phiên giao dịch ngày 22/3, giá vàng giao sau tại New York giảm 7,7 USD/oz, tương đương giảm 0,5%, còn 1.642,3 USD/oz. Từ đầu tháng 3 tới nay, giá vàng đã giảm 4%. Tuy nhiên, vàng hiện vẫn cao giá hơn so với ở thời điểm đầu năm.

Các tổ chức của giới kinh doanh vàng Ấn Độ cho biết, có khoảng 300.000 doanh nghiệp vàng, với hàng triệu thợ kim hoàn và nhân viên, ở nước này bị ảnh hưởng bởi quyết định tăng thuế của Chính phủ. Trong một báo cáo gửi khách hàng hôm thứ Ba vừa rồi, Ngân hàng Standard Bank cho biết “nhu cầu vàng vật chất ở châu Á đã suy giảm mạnh” do việc các cửa hàng vàng ở Ấn Độ đóng cửa.

Ban đầu, giới kinh doanh vàng ở Ấn Độ chỉ định ngưng hoạt động 3 ngày, nhưng sau đó, họ quyết định kéo dài cuộc đình công tới ngày thứ Bảy. Hôm thứ Năm, một vài cửa hàng vàng ở Mumbai mở cửa trở lại, nhưng sau đó lại đóng cửa ngay.

“Nếu Chính phủ không nghe theo đề nghị của chúng tôi, chúng tôi có thể tiếp tục đình công”, ông S.K. Jain, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà kinh doanh nữ trang Chandni Chowk ở New Dehli, cho biết.

Chính phủ Ấn Độ đang muốn tăng nguồn thu để khắc phục vấn đề thâm hụt ngân sách. New Dehli cũng muốn khuyến khích người dân đa dạng hóa các kênh đầu tư, chẳng hạn chuyển vốn sang chứng khoán, thay vì chỉ chăm chăm giữ vàng. Trong một bài phát biểu hồi đầu tuần, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn R.S. Gujral cho rằng, tiền tiết kiệm của người dân cần phải được đưa vào những tài sản có khả năng sinh lời hơn là vàng.

Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ cũng muốn “đánh” vào nhu cầu vàng và hoạt động nhập khẩu vàng của nước này nhằm thu hẹp thâm hụt cán cân vãng lai. Thâm hụt này đang gây áp lực mất giá đối với đồng Rupee của Ấn Độ. Thời gian qua, thâm hụt cán cân vãng lai của Ấn gia tăng do nhập khẩu vàng nhiều, làm gia tăng những lo ngại về khả năng kiểm soát nợ nước ngoài của nước này.

Đã có những tín hiệu cho thấy chính sách thuế mới đánh vào vàng của Ấn Độ phát huy hiệu quả.

“Chúng tôi đã đặt mua trang sức trước khi Chính phủ tuyên bố tăng thuế. Nhưng hôm nay, khi chúng tôi đến cửa hàng, chủ tiệm lại đưa ra mức giá cao hơn. Bởi vậy chúng tôi muốn hoãn việc mua nữ trang lại”, cô Shilpa Seth, một bà nội trợ 36 tuổi ở Mumbai, nói với phóng viên Wall Street Journal ở chợ vàng Zaveri Bazaar.

Theo ông Prithviraj Kothari, Chủ tịch Hiệp hội Vàng Bombay, việc tăng thuế có thể khiến nhu cầu vàng của Ấn Độ giảm hơn 30% trong năm nay, còn 600 tấn, và giá vàng tại Ấn có thể tăng. “Hoạt động nhập vàng gần như đã ngưng lại”, ông Kothari cho biết.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến nhận định rằng, sự giảm sút trong hoạt động nhập vàng của Ấn Độ thời gian này chủ yếu là do yếu tố mùa vụ. Đây là thời điểm hàng năm mà các nhà kinh doanh vàng nước này tổng kết sổ sách trước khi bước vào một năm tài khóa mới bắt đầu vào tháng 4.

Ngoài ra, theo ông Ajay Mitra, Giám đốc Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) tại Ấn Độ và Trung Đông, lý do cơ bản cho việc người Ấn mua vàng là văn hóa và cưới hỏi chưa hề thay đổi. “Trong dài hạn, việc tăng thuế sẽ không tác động nhiều tới nhu cầu vàng của Ấn Độ”, ông Mitra nói.

Theo một số nhà phân tích, nếu giá vàng giảm sâu tới một mức nào đó sẽ bù đắp được cho phần thuế tăng, và khách mua vàng ở Ấn sẽ trở lại thị trường. Chưa kể, giới kinh doanh vàng có thể “lách luật” bằng cách nhập vàng từ Thái Lan, vì Ấn Độ áp dụng mức thuế nhập vàng thấp hơn từ thị trường này.

Dù lệnh tăng thuế đã được ban hành, Chính phủ Ấn vẫn có thể điều chỉnh quyết định này sao cho có lợi hơn cho giới kinh doanh vàng. Trên thực tế, cũng đã có lần mắc sai lầm trong việc tăng giảm thuế, chẳng hạn ở lĩnh vực xuất khẩu bông.

“Mặc dù tuyên bố về mức thuế mới của Chính phủ Ấn Độ đã làm gia tăng lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu vàng, chúng tôi vẫn đợi quyết định chính thức cuối cùng được đưa ra trước khi có kết luận cuối cùng về tác động của việc tăng thuế này”, nhà phân tích Marc Ground của Standard Bank cho biết.

Một số nhà kinh doanh nữ trang của Ấn thì đang lo về việc áp dụng thuế 0,3% đánh vào giao dịch vàng nữ trang tại các tiệm nhỏ sẽ rất phức tạp. Trước đây, thuế giao dịch vàng nữ trang chỉ đánh vào những công ty lớn như Gitanjali Gems hay Titan Industries. “Tất cả những mức thuế này sẽ dẫn tới sự xáo trộn lớn”, ông Dinesh Jain, Giám đốc Liên đoàn thương mại nữ trang và đá quý toàn Ấn Độ, bày tỏ lo ngại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường vàng lớn nhất thế giới bất ngờ tê liệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.