Chuyển đổi số

Thị trường trung tâm dữ liệu rộng mở với doanh nghiệp

Thanh Hà 09/11/2023 - 05:59

Quá trình chuyển đổi số với sự phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số khiến nhu cầu lưu trữ và xử lý dữ liệu của khách hàng ngày càng lớn.

Khai thác lĩnh vực đầy tiềm năng này, xác định dư địa thị trường còn rất lớn, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ đã và đang gia tăng đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu (Data center)...

trung-tam-du-lieu.jpg
Trung tâm IDC Hòa Lạc của VNPT được vận hành bởi các kỹ sư giỏi, giàu kinh nghiệm. Ảnh: Bảo Anh

Data center Việt Nam chưa bằng 1% của toàn cầu

Nếu như năm 2022, thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đạt khoảng 561 triệu USD thì con số này được dự báo đạt khoảng 1,03 tỷ USD vào năm 2028. Theo các chuyên gia, Việt Nam đã sẵn sàng cho giai đoạn tăng trưởng ổn định ở lĩnh vực này với tốc độ hằng năm (CAGR) của thị trường đạt 10,68% trong giai đoạn 2022-2028.

Cũng theo các chuyên gia, tỷ lệ người dân sử dụng internet tại Việt Nam trong những năm qua tăng trưởng nhanh chóng, đạt gần 78 triệu người (tính đến đầu năm 2023), tăng 7,3% so với năm 2022. Thêm nữa, không thể không kể đến yếu tố thúc đẩy thị trường gia tăng Data center còn bắt nguồn từ “đòn bẩy” ưu đãi của Chính phủ. Trong đó, phải kể đến Nghị định số 53/2022/NĐ-CP ngày 15-8-2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, quy định các dữ liệu internet phải được lưu trữ tại Việt Nam.

Trong Chiến lược xây dựng hạ tầng số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% cơ quan chính phủ, 70% doanh nghiệp sử dụng điện toán đám mây của đơn vị trong nước… Điều này thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực Data center.

Thực tế trong thời gian qua, các doanh nghiệp công nghệ đã liên tiếp chi cho đầu tư hệ thống Data center của mình. Đáng chú ý, riêng năm 2022, cả 3 nhà cung cấp lớn: CMC, Viettel, VNG đều đã khánh thành Data center với quy mô và công nghệ hiện đại. Điều này không chỉ phản ánh sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số mà còn cho thấy cuộc đua lĩnh vực Data center tại Việt Nam ngày càng sôi động, hấp dẫn.

Tuy nhiên, có một thực tế là đến nay, Việt Nam mới chỉ có 29 trung tâm dữ liệu, chiếm chưa tới 1% với số lượng Data center trên toàn cầu. Điều này cho thấy dư địa thị trường còn rất lớn. Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã định hướng, hạ tầng số phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trong đó, hạ tầng dữ liệu là một bộ phận quan trọng bậc nhất của hạ tầng số. Các nhà mạng viễn thông đã đi đầu về hạ tầng viễn thông thì nay phải đi đầu về hạ tầng dữ liệu. Đầu tư các trung tâm dữ liệu là một loại đầu tư mới của các nhà mạng viễn thông. Nếu không đầu tư vào lĩnh vực này thì nhà mạng viễn thông không có không gian tăng trưởng mới và sẽ bị thay thế...

VNPT đầu tư lớn cho Data center

Trong chiến lược phát triển, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) định hướng trở thành một Digital hub của châu Á với hệ sinh thái các giải pháp hạ tầng số đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy, trong những năm qua, VNPT đã đầu tư, xây dựng hệ thống Data center phủ rộng khắp 3 miền với 6 trung tâm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của khách hàng lớn trong nước.

Cùng với đó, VNPT đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối quốc tế rộng khắp với 4 tuyến cáp biển quốc tế đang khai thác, 1 tuyến cáp mới đang xây dựng và chuẩn bị đưa vào sử dụng trong quý IV-2023, tổng dung lượng khai thác đạt 28Tbps. Bên cạnh kế hoạch nâng cao lưu lượng kết nối internet, VNPT đầu tư hàng nghìn ki lô mét cáp quang trục và liên tỉnh.

Cuối tháng 10-2023 vừa qua, VNPT đã khánh thành và đưa vào Data center mới tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Data center thứ 7 của tập đoàn có tổng diện tích sử dụng 23.000m2 sàn, quy mô 2.000 tủ rack, lớn nhất tại Việt Nam hiện nay; có khả năng kết nối mạng siêu tốc, trung bình 2Gbps/rack đối với kết nối trong nước và 0,5Gbps/rack với kết nối mạng quốc tế. Đáng chú ý, Data center Hòa Lạc còn được trang bị dự phòng N+1 bảo đảm vận hành an toàn và liên tục ngay cả khi sửa chữa, bảo trì, giúp dịch vụ của khách hàng không gặp bất kỳ gián đoạn nào...

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái, việc khai trương trung tâm IDC Hòa Lạc là một quá trình nỗ lực, phấn đấu đưa VNPT trở thành nhà cung cấp IDC hàng đầu Việt Nam và khu vực. Trong thời gian tới, VNPT sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác và nhà đầu tư để xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu mới tầm cỡ khu vực và thế giới, sử dụng công nghệ xanh và bền vững. Điều này khẳng định vai trò của VNPT trong việc đồng hành cùng Chính phủ và doanh nghiệp trong việc hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số quốc gia, hướng tới mục tiêu trở thành Digital hub của khu vực.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, VNPT cần tiếp tục xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn ngang tầm quốc tế, là nhà cung cấp hạ tầng số đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của chính phủ số, kinh tế số và xã hội số ở nước ta, để các doanh nghiệp Việt Nam không còn lo lắng tìm kiếm nơi lưu trữ, xử lý dữ liệu bên ngoài Việt Nam, cũng như thu hút được các khách hàng trên toàn cầu.

Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng điện toán đám mây của Việt Nam, ưu tiên dùng "hàng Việt Nam", nhất là khi hàng Việt Nam đạt tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới với giá cả cạnh tranh. Đồng thời, khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và doanh nghiệp thay vì tự đầu tư, vận hành các trung tâm IDC, hệ thống công nghệ thông tin, chuyển sang sử dụng dịch vụ của các đơn vị cung cấp chuyên nghiệp. Như vậy, sẽ hiệu quả hơn về chi phí, an toàn, linh hoạt hơn và hơn thế nữa là góp phần phát triển các doanh nghiệp số nước nhà.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường trung tâm dữ liệu rộng mở với doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.