(HNM) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,05% so với tháng 3 và là tháng có mức tăng rất thấp, tiếp tục thể hiện xu thế CPI giảm dần qua các tháng. Xét theo cơ cấu vùng kinh tế, chỉ số CPI giảm tại nhiều vùng như Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Bắc, vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mức giảm từ 0,06% đến 0,16%.
Thông tin sử dụng chất tạo nạc ở thịt lợn đã gây ảnh hưởng lớn cho người chăn nuôi và người tiêu dùng. Ảnh: Đàm Duy
Thực tế này khiến giới chuyên gia thất vọng, bởi nó cho thấy sự "mệt mỏi" của thị trường, thể hiện rõ nhất là tâm lý không mặn mà với việc mua sắm của người dân. Ngược lại, phần lớn người tiêu dùng (NTD) đã xác định ý thức tiết kiệm, tăng cường tích trữ, ổn định và chủ động về tài chính như một biện pháp "tích cóp, phòng cơ" trong thời buổi kinh tế khó khăn. Dường như thắt chặt chi tiêu đã không chỉ được áp dụng trong điều hành vĩ mô mà đã trở thành trào lưu cắt giảm chi tiêu cá nhân trên diện rộng.
Đáng lưu ý, trong tháng 4 sức mua hàng hóa trên thị trường hầu như không tăng so với tháng 3 còn do ảnh hưởng của một số hiện tượng, dư luận về chất lượng của một số loại hàng thiết yếu chưa đạt tiêu chuẩn, thậm chí là gây hại cho NTD, như kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng kém phẩm chất, tin đồn bán gạo giả, vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là việc sử dụng hóa chất tạo nạc thịt gia súc... Trên thực tế, giá một số mặt hàng quan trọng như gas, nông sản, phân bón đã giảm nhưng yếu tố này không tác động nhiều đến việc cải thiện sức mua của thị trường trong nước. Vì vậy, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tháng 4 ước đạt 192,4 nghìn tỷ đồng, tăng có 1,8% so với tháng 3 và tăng 21,1% so với tháng 4-2011. Tính chung 4 tháng đầu năm ước đạt 762,15 nghìn tỷ đồng, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái (nếu loại bỏ yếu tố tăng giá, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 4 tháng chỉ tăng 6,1%). Các chuyên gia xác định đó là một dấu hiệu rất đáng quan ngại với thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN trong tháng 4 vẫn diễn ra trong tình trạng cầm chừng. Sản phẩm thép và giấy tiếp tục gặp khó trong tiêu thụ và chưa thoát khỏi tình trạng tồn đọng. Riêng sản lượng giấy các loại giảm nhẹ, chỉ đạt 95,3% so với cùng kỳ 2011, trong khi một vài dự án thép mặc dù đã hoàn thành lắp đặt dây chuyền nhưng chưa thể đưa vào sản xuất bởi đã biết trước sự khó khăn trong tiêu thụ, còn những nhà máy đã hoạt động từ lâu buộc phải cắt giảm 50% công suất để vừa sản xuất vừa cầm cự. Khả năng thoát hiểm với DN thép khá mờ mịt bởi đầu ra của thép là đời sống của thị trường bất động sản, nhưng hiện lĩnh vực này đang "đóng băng". Các đơn vị thuộc ngành nhựa, chuyên sản xuất túi, bao bì làm từ nhựa PE vẫn đang gặp khó khăn, lúng túng vì chưa có quy định tiêu chuẩn rõ ràng với túi ni lông thuộc diện chịu thuế; nhiều loại bao bì PE bị yêu cầu đánh thuế bảo vệ môi trường khiến giá sản phẩm tăng lên gấp đôi làm cho khách hàng khó chấp nhận. Từ đó, một số DN đối phó bằng cách sản xuất cầm chừng, chờ hướng dẫn cụ thể hoặc tìm cách thay đổi đối tác, nhà thầu phụ, hoặc tìm cách chuyển hướng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tình hình tiêu thụ sản phẩm sữa ngày càng trở nên khó khăn hơn dù đã bước vào đầu mùa nóng, là thời điểm nhu cầu tiêu thụ mạnh. Nguyên nhân do giá đầu vào của các loại nguyên liệu tăng cao, đẩy DN vào tình huống phải tăng giá bán. Ngoài ra, hiện nay khả năng xuất khẩu cá tra, ba sa bắt đầu rơi vào tình trạng khó khăn, đây sẽ là nguy cơ đẩy "quả bóng" tiêu thụ ngược trở về thị trường nội địa, tiếp tục gây sự tồn đọng bởi sức mua của NTD đã đến ngưỡng bão hòa. Các chuyên gia nhận định, thị trường trầm lắng là hệ lụy dây chuyền của sự suy thoái kinh tế đã diễn ra trong 4 tháng vừa qua, với tốc độ tăng trưởng GDP chỉ bằng 2/3 so với mức kế hoạch. Hiện tại, Chính phủ, các bộ, cũng như địa phương vẫn chưa có chủ trương nào mang tính đột phá để kích cầu tiêu dùng trên diện rộng, bởi diễn biến chìm sâu của thị trường đã bộc lộ rất rõ và khá nặng nề, với đặc điểm là cầu thấp - cung cao và chưa thể dung hòa theo ý chí… Trước mắt, các DN được khuyến cáo cần tìm biện pháp cắt giảm chi phí tối đa để có điều kiện giảm giá thành sản phẩm, thực hiện khuyến mại và khuyến khích khách hàng thanh toán ngay khi giao hàng để phòng tránh phát sinh nợ, gia tăng xuất khẩu để chia sẻ gánh nặng đối với kênh tiêu thụ nội địa. Đặc biệt, DN cũng nên tận dụng thời gian cắt giảm sản xuất để chủ động cơ cấu lại sản phẩm và thị trường, tạo bước phục hồi nhanh chóng ngay khi nền kinh tế ra khỏi khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.