Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường thời trang trẻ em: Tràn lan sản phẩm chứa chất độc hại

Thanh Hiền| 14/01/2014 07:11

(HNM) - Theo báo cáo của Tổ chức Hòa bình xanh mới đây, quần áo trẻ em có xuất xứ Trung Quốc chứa nhiều chất độc hại có thể gây rối loạn hoóc môn, ung thư, đồng thời ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh, sinh sản và nội tiết.


Quá nhiều chất độc hại

Theo báo cáo, thị trấn Trị Lý (tỉnh Chiết Giang) và thành phố Thạch Sư (tỉnh Phúc Kiến) là hai trung tâm cung cấp quần áo trẻ em lớn nhất Trung Quốc. Sản phẩm ở đây không chỉ được tiêu thụ trên toàn quốc mà còn xuất khẩu sang các thị trường Đông Nam Á, Châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông, Châu Phi…




Tuy nhiên, khoảng một nửa trong số 85 mẫu quần áo mà Tổ chức Hòa bình xanh mua từ Trị Lý và Thạch Sư chứa chất NPE gây rối loạn hoóc môn, được ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm tẩy rửa, sơn, giấy dệt… có tác dụng tăng hoạt động bề mặt, tạo khả năng tẩy rửa, thấm ướt tốt và khả năng hòa tan cũng như tạo nhũ tương tốt. 90% số mẫu dương tính với chất antimon là hợp chất chuyên dùng trong công nghệ sản xuất đạn, có độc tính gần giống thạch tín và có khả năng gây ung thư. Chất phthalate gây giảm lượng tinh trùng, vô sinh ở nữ giới và dị dạng cơ quan sinh sản. Một mẫu khác được phát hiện chứa chất PFC là một nhóm hợp chất gây tổn hại hệ nội tiết… Các chất trên chủ yếu được dùng trong công đoạn nhuộm, in hình trang trí và tẩy. Ngoài ra, nồng độ formaldehyde cao cũng được phát hiện. Đây là chất chủ yếu dùng để bảo quản thi thể. Theo các bác sĩ Bệnh viện Da liễu trung ương, việc mặc quần áo chứa những chất cấm rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Ở thể khí, chất formaldehyde có thể gây ngạt thở dẫn đến tử vong hoặc kích ứng da, ảnh hưởng đến hệ thần kinh và các cơ quan nội tạng. Được biết, Cơ quan Giám sát chất lượng của Trung Quốc đã từng cảnh báo, không nên mua quần áo có màu sắc, trang trí và in ấn sặc sỡ cho trẻ em.

Phân khúc bị doanh nghiệp nội địa bỏ quên

Tại Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước, quần áo Trung Quốc được bày bán tràn lan, từ lề đường, chợ cóc, chợ truyền thống đến các cửa hàng thời trang. Do đánh trúng tâm lý của các bậc phụ huynh về kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc bắt mắt, giá bán khá "mềm" nên mặt hàng quần áo Trung Quốc vẫn chiếm hơn 80% thị phần tại thị trường Việt Nam. Ở phân khúc giá rẻ, chỉ cần từ 30.000-50.000 đồng đã có một bộ đồ mùa hè cho bé. Từ phân khúc trung bình khá trở lên, giá các sản phẩm dao động từ 25.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/chiếc… Điều đáng nói là, tuy rẻ hơn hàng sản xuất trong nước nhưng hầu hết sản phẩm đều "ngậm" đủ loại hóa chất độc hại, gây những tác hại không thể lường trước tới sức khỏe con trẻ. Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), quần áo Trung Quốc được nhập vào Việt Nam theo hai con đường chính ngạch và tiểu ngạch. Với hàng chính ngạch, các mặt hàng phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn mới được thông quan, nên hàng hóa qua đường này chỉ chiếm số lượng rất nhỏ so với đường tiểu ngạch. Do đường biên giới của nước ta dài, đặc biệt là khu vực phía Bắc, nên việc kiểm soát hàng nhập lậu dù được tăng cường cũng rất khó khăn.

Mấy năm gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước đã chú trọng phân khúc khách hàng trẻ em hơn, tuy nhiên nếu so với hàng Trung Quốc, giá sản phẩm trong nước vẫn khá cao, mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của khu vực thành thị. Riêng quần áo trẻ em thuộc dòng trung, cao cấp thậm chí còn đắt ngang hoặc "vượt mặt" sản phẩm của người lớn. Lý giải về điều này, một chuyên gia trong ngành dệt may cho biết, do mặt hàng thời trang trẻ em được sản xuất từ các loại vải có chất lượng bảo đảm an toàn cho sức khỏe nên chi phí sản phẩm khá cao. Ngành đang kết hợp cùng các DN đưa ra bộ tiêu chuẩn sản phẩm. Đây sẽ là rào cản để ngăn chặn những sản phẩm độc hại, kém chất lượng trên thị trường. Tuy nhiên trước mắt, phụ huynh nên là người tiêu dùng thông thái trong việc lựa chọn sản phẩm an toàn cho sức khỏe và sự phát triển của con em mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường thời trang trẻ em: Tràn lan sản phẩm chứa chất độc hại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.