Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường rằm tháng Bảy: Sức mua chợ truyền thống bình ổn, chợ online nhộn nhịp

Lam Giang – Thanh Hương| 20/08/2021 16:24

(HNMO) - Khác với các năm trước, dịp lễ rằm tháng Bảy năm nay đúng vào dịp Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, người dân đi chợ mua sắm theo ngày trên thẻ đi chợ nên không khí mua sắm tại các chợ không náo nhiệt, sức mua không như mọi năm. Trong khi đó, để bảo đảm phòng dịch, nhiều người chuyển sang đặt mua đồ lễ online với nhiều mặt hàng phong phú không kém chợ truyền thống.

Các loại trái cây không thể thiếu cho lễ cúng rằm tháng Bảy.

Sức mua bình ổn, giá không tăng

Ghi nhận của phóng viên tại một số chợ như: Yên Duyên, Mai Động (quận Hoàng Mai), Gia Lâm, Gia Thụy (quận Long Biên), Hôm - Đức Viên, Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng)… trong ngày 20-8 (tức 13 tháng Bảy âm lịch), không khí mua sắm trong những ngày giãn cách xã hội không như mọi năm, người bán và người mua tuân thủ quy định phòng dịch, hàng hóa tương đối phong phú, giá ổn định.  

Theo các tiểu thương, phong tục của người Việt là ngay từ sau mùng 10 tháng Bảy âm lịch đã bắt đầu làm mâm cơm cúng lễ rằm tháng Bảy, do đó, nhiều gia đình đã mua sắm lễ từ những ngày trước. Bên cạnh đó, việc người dân đi chợ luân phiên theo “Thẻ vào chợ” nên tại các chợ không có tình trạng đông đúc như mọi năm.

Mặt hàng gà được nhiều người lựa chọn cúng rằm tháng Bảy.

Tại chợ Yên Duyên (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) sáng 20-8, lượng người đến chợ ở mức trung bình. Chị Nguyễn Thị Dung, Chung cư Gelexia (phường Yên Sở) mua hàng tại chợ cho biết, từ nhiều năm nay, cứ mỗi dịp lễ Vu lan chị đều tự tay đi sắm đồ làm mâm cơm dâng cúng tổ tiên, ông bà. Năm nay, do giãn cách xã hội, có thời gian ở nhà cùng với việc phải đi chợ luân phiên nên chị làm lễ cúng sớm hơn mọi năm.

Bà Trần Thị Thu Hằng, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Yên Duyên cho hay, những ngày qua, sức cầu về mặt hàng thịt lợn nhích lên nhưng không nhiều do nhiều người làm cỗ cúng rằm. Giá mặt hàng này không tăng, thậm chí khá “mềm”.

Cùng với đó, mặt hàng thịt gà cũng đắt khách trong những ngày qua. Theo các tiểu thương, giá gà không biến động so với trước. Chị Nguyễn Thị Nhẫn, người kinh doanh gà sống tại chợ Gia Thụy (quận Long Biên) cho biết, từ sau ngày mùng 10 tháng Bảy âm lịch, khách hàng đặt mua gà đông hơn những ngày trước, nhưng giá không cao.

Ghi nhận tại chợ Gia Thụy (phường Gia Thụy, quận Long Biên) hôm nay, người mua ít hơn so với thời điểm trước giãn cách xã hội. Các quầy hàng thịt lợn, bò, gà, rau, quả… hàng hóa tương đối phong phú. 

Các quầy bán thịt ở chợ Mai Động không đông người mua.

Giá thịt lợn và gia cầm tại các chợ không tăng so với trước, trong đó, sườn ngon, nạc vai cùng có giá 140.000 đồng/kg; thịt vai sấn 120.000 đồng/kg, thịt thăn 130.000 đồng/kg. Giá gà ta được bán phổ biến 130.000 - 150.000/kg, vịt 65.000 đồng/kg. Tôm thẻ 240.000 đến 280.000 đồng/kg, tôm sú 300.000 đến 480.000 đồng/kg tùy loại.

Tuy nhiên, ghi nhận tại các chợ nêu trên, mặt hàng trái cây có phần ít phong phú hơn các năm trước, giá có nhích hơn: Măng cụt được bán ở mức 40.000 đồng/kg, xoài 40.000 đồng/kg, dưa hấu 25.000 đồng/kg, hồng giòn Mộc Châu 40.000 đồng/kg… tăng 5.000 đến 8.000 đồng/kg tùy loại. Giá cau khá cao, từ 10.000 đến 20.000 đồng/quả tùy chợ.

Tương tự, tại các chợ, chủng loại hoa không phong phú như trước, lượng người mua không nhiều. Cụ thể, hoa hồng và cúc lưới cùng có giá 50.000 - 70.000 đồng/chục, cúc mai 25.000 đồng/bó, ly 5-7 tai 15.000-18.000 đồng/cành. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm ngặt, những người không có phiếu đều không được vào chợ.

Mẹt hoa thơm, trái cây trên chợ mạng hút khách.

Mẹt trái cây, xôi ngũ sắc… hút khách trên "chợ mạng"

Bên cạnh việc mua sắm trực tiếp ở chợ, nhiều người, đặc biệt là người dân ở các khu chung cư, các gia đình trẻ chủ yếu đặt hàng qua mạng hay trong các nhóm mua sắm để chế biến mâm cỗ.

Năm nay, trên các chợ mạng, nhiều người tung ra các mặt hàng mới lạ như mẹt hoa, quả thơm, xôi ngũ sắc rất hấp dẫn. Theo đó, các sản phẩm bao gồm các loại hoa, quả thơm như táo, lê, cùng các loại hoa sen, nhài, hoa cau, hoàng lan, ngọc lan, mẫu đơn, kết hợp với trầu cau, bánh nướng, bánh dẻo…

Các mẹt hoa quả được bán với giá từ 100.000 đến gần 500.000 đồng tùy kích cỡ to, nhỏ, lượng trái cây nhiều hay ít. Các mẹt xôi ngũ sắc được nhuộm hấp tỉ mỉ từ gạo nếp ngâm hoa đậu biếc, nghệ, gấc... cũng hấp dẫn người mua, có giá từ 100.000 đến 150.000 đồng.

Các mặt hàng cúng rằm truyền thống khác cũng rất phong phú và giá khá mềm. Như giá gà ta làm sẵn được rao bán ở mức 120.000 -140.000 đồng/kg, có nơi tính thêm 15.000 đồng tiền làm thịt.

Ngoài ra, chả mực giã tay 360.000 đồng/kg, nem thịt 110.000 đồng/hộp 10 cái, xôi ngũ sắc 90.000 đồng/kg, canh mọc ngũ sắc 150.000 đồng/hộp… Bánh chưng có nhiều loại để khách hàng lựa chọn. Chẳng hạn, bánh chưng mi ni 250g chay hoặc mặn là 35.000 đồng/chiếc, bánh chưng to 80.000 đồng/chiếc.

Mặt hàng trái cây cũng được rao bán nhiều trên mạng, như nhãn 15.000 - 35.000 đồng/kg, na 45.000 - 60.000 đồng/kg, nho Mỹ không hạt 245.000 đồng/kg, đu đủ 20.000 đồng/kg, chuối ngự 25.000 - 45.000 đồng/nải.

Hoa tươi cũng có giá khá mềm, như ly đỏ 3-4 tai 110.000 đồng/10 cành, ly vàng nhọn 5-7 tai 110.000 đồng/10 cành, hoa hồng thơm 40.000 đồng/50 bông, cúc lưới 40.000 đồng/chục, cúc cánh cam 20.000 đồng/bó, hoa đồng tiền 20.000 đồng/bó 20 bông, huệ kép 40.000 đồng/chục.

Năm nay, dịch vụ đặt mâm cỗ cúng trên mạng xã hội khá “im hơi lặng tiếng” do điều kiện giãn cách xã hội. Chủ một số nhà hàng chuyên làm cỗ online cho biết, dù có khá nhiều người đặt làm cỗ cúng rằm ngay từ cuối tháng Sáu âm lịch, song họ đều phải từ chối do thiếu nhân công cũng như phòng tránh dịch bệnh. Bên cạnh đó, điều dễ nhận thấy trong mùa lễ Vu lan năm nay là do giãn cách xã hội, nên tình trạng đốt vàng mã đã giảm rõ rệt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường rằm tháng Bảy: Sức mua chợ truyền thống bình ổn, chợ online nhộn nhịp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.