Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày lễ Tình nhân - ngày Valentine. Tuy nhiên, tại thời điểm này, thị trường quà tặng còn khá yên ắng.
Nhập ít cho an toàn
“Tôi bày hàng được 5 hôm rồi mà chẳng thấy ai hỏi, chứ chưa nói đến việc mua bán. Năm nay cửa hàng tôi chỉ nhập 200 hộp sôcôla, bằng 1/4 năm ngoái vậy mà vẫn lo ngay ngáy”, chị Kim Loan, chủ cửa hàng 37 Khâm Thiên, Hà Nội ngao ngán.
Sôcôla cho ngày Valentine. (Nguồn: Internet)
Không chỉ riêng chị Loan mà nhiều cửa hàng khác cũng rơi vào cảnh ngộ như vậy.
Chị Quỳnh ở Cầu Giấy, Hà Nội nhăn nhó: “Dù chưa vào vụ nhưng vào những ngày này năm trước, tôi cũng bán được khoảng 2-3 hộp/ngày. Năm nay, ngồi héo cả người mà không bán nổi 1 hộp”.
Theo quan sát sơ bộ thì năm nay, các cửa hàng đều nhập ít hàng hơn so với năm ngoái.
Một số người bán chia sẻ do thời buổi hiện nay đồ gì cũng sẵn chứ không khan hiếm như trước nên đến sát ngày hoặc đúng ngày lễ khách hàng mới đến mua. Thêm vào đó, ngày lễ Tình nhân năm nay trùng với mùng 1 Tết Nguyên đán khiến người bán không khỏi lo ngại.
Tết là thời điểm rất nhiều sinh viên - lực lượng khách hàng “chủ lực” của thị trường hàng Valentine - về quê ăn Tết nên lượng khách hàng có thể sẽ càng giảm đi. Không những thế, còn có một số người đã tranh thủ mua và tặng quà trước. Do đó, tuy sôcôla, hoa, thiệp là những mặt hàng truyền thống trong ngày Valentine nhưng lượng hàng vẫn rất “khiêm tốn”.
Mặt hàng thú nhồi bông có khả quan hơn về số lượng được bày bán nhưng cũng rất khan hiếm khách hàng.
Dọc đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, thú nhồi bông bày bán tràn lan, con nọ chồng lên con kia, không hề có túi nilông bọc phủ.
“Đã có con từ màu trắng ngả sang vàng vì khói xe, bụi trên đường vậy mà người mua cũng chỉ lác đác”, một người bán thở dài.
“Thú nhồi bông, thiệp nếu năm nay không bán hết, có thể bán vào năm sau nhưng hoa và sôcôla là những mặt hàng “ngắn ngày” nên nhập ít cho an toàn”, chị Hồng, chủ cửa hàng hoa Janessa Flowers tại 267 Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội nói.
Bên cạnh đó, việc hàng Tết đang rất được ưu tiên cũng khiến hàng Valentine bị xao nhãng.
Một số cửa hàng trên phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội trước đây bán sôcôla tình nhân thì hiện tại vẫn “mải miết” với hàng Tết mà quên đi việc “chăm sóc” hàng Valentine. Các mặt hàng bánh kẹo chất đống nhưng chỉ “lẻ tẻ” vài hộp sôcôla tồn từ năm trước, lại được đặt ở vị trí khá “xa tầm ngắm”.
Chị Hà ở Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội lý giải: “Giờ đang là “mùa gặt hái” của mặt hàng bánh kẹo Tết nên phải dành hầu hết diện tích để bày bán những mặt hàng này.
Xuất xứ đa dạng
Theo khảo sát, ngoài những mặt hàng truyền thống như hoa, sôcôla, thú nhồi bông, thiệp, thị trường hàng Valentine năm nay có thêm nhiều mặt hàng mới như: Thú bông con hổ, gối bông ôm hộp quà, gấu bông ôm trái tim, gấu bông ôm khung ảnh hình trái tim, búp bê tình nhân, búp bê cỏ…
Với những mặt hàng đã quen thuộc từ năm trước, năm nay đã có sự cách tân về mẫu mã, hình dáng như sản phẩm cốc đôi, gấu đôi…
Do hàng hóa có xuất xứ đa dạng, không chỉ ở Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan mà còn là Thụy Điển, Bỉ... nên giá cả các sản phẩm cũng khác nhau.
Sản phẩm sôcôla sản xuất tại Thụy Điển có giá từ 70.000-200.000 đồng/hộp. Mặt hàng gối bông “handmade” nhãn hiệu Kezo giá 100.000-500.000 đồng/chiếc còn gấu bông (Trung Quốc) giá 30.000-200.000 đồng/con…
Theo các chủ cửa hàng thì giá năm nay tăng phổ biến ở mức 5-20% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên có một số mặt hàng tăng 40-50% như gấu bông (Trung Quốc, loại trung bình) từ 70.000 đồng lên 135.000 đồng/con, loại to từ 120.000 đồng lên 170.000 đồng/con…
Các chủ cửa hàng dự báo vào sát ngày lễ, tùy mặt hàng, chất lượng mà giá cả có thể tăng thêm, điển hình là hoa hồng: Trước ngày lễ, 1 bông hoa hồng có giá 3.000 đồng nhưng vào cao điểm, giá có thể tăng lên 10.000-20.000 đồng/bông.
Năm nay, do ngày lễ Tình nhân năm nay trùng với mùng 1 Tết Nguyên đán nên nhiều cửa hàng dự kiến sẽ mở cửa phục vụ khách vào cả ngày mùng 1./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.