Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường phân bón bị thả nổi

Sơn Tùng| 14/05/2016 08:19

(HNM) - Thanh tra Bộ NN&PTNT đã có kết luận chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc cho phép tổ chức cấp giấy chứng nhận và giám định chất lượng phân bón của Cục Trồng trọt. Điều này cho thấy, việc chứng nhận chất lượng phân bón bị thả nổi với nhiều sai phạm, trong khi đó việc quản lý kinh doanh phân bón có nhiều vấn đề dẫn đến tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan, gây hậu quả nghiêm trọng.

Lực lượng chức năng kiểm tra các sản phẩm phân bón nghi là hàng kém chất lượng. Ảnh: Vân Trường


Người dân không thể phân biệt thật - giả


Phân bón giả, phân bón kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chân chính mà nguy hại hơn còn khiến cây trồng chậm phát triển, năng suất giảm, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân. Thời gian vừa qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra thị trường, tuy nhiên thực trạng trên vẫn diễn biến phức tạp. Đơn cử lô phân bón NPK nhãn hiệu Mặt Trời do Công ty CP Dịch vụ nông nghiệp Agripro cung ứng cho các hộ trồng mía tại xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bị phát hiện không bảo đảm chất lượng.

Theo công bố trên bao bì sản phẩm thì hàm lượng đạm - lân - kali là 10-5-15. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm từ Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 2 - Bộ Khoa học và công nghệ, hàm lượng này đạt dưới 50% so với mức công bố khiến người dân bức xúc. Tiền chôn xuống đất vì phân bón giả, còn cái mà người nông dân nhận được là nỗi lo lắng về năng suất cây trồng ảnh hưởng thế nào đến "nồi cơm" của nông dân. Bà Nguyễn Thị Cần và ông Nguyễn Ngọc Định - xóm Tiến Thành, xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu cho biết: Chúng tôi lấy phân bón của nhà máy, chủ yếu tin tưởng vào nhà máy, nhà máy nói tốt thì nông dân biết tốt, nói xấu thì biết xấu chứ người nông dân không thể phát hiện đâu là thật, đâu là giả được.

Đã có nhiều loại giấy phép được đặt ra nhằm quản lý chất lượng phân bón, nhưng nghịch lý lại ở chỗ: các cơ sở được chỉ định cấp phép đều vi phạm, việc cấp giấy chứng nhận hợp quy, bảo đảm chất lượng bị thả nổi khiến phân bón kém chất lượng, phân bón giả tràn lan trên thị trường.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ngô Đại Ngọc cho biết: Trước đây, việc cung ứng phân bón đều chỉ qua một đầu mối là các HTX nên việc quản lý và quy trách nhiệm rất dễ. Nhưng hiện nay đều qua các đại lý nên việc kiểm tra, giám sát còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc kiểm tra, giám sát hệ thống bán lẻ tại cơ sở phụ thuộc nhiều vào trách nhiệm của chính quyền địa phương. Về những khó khăn trong việc quản lý chất lượng phân bón tại cơ sở, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Thủy huyện Phú Xuyên Nguyễn Văn Ký cho biết: Cả xã có 5 cửa hàng kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp với cả chục loại phân bón khác nhau, rất khó kiểm soát chất lượng.

Xử lý nghiêm vi phạm, tổ chức lại hệ thống…

Ông Nghiêm Phú Trường, Phó Trưởng phòng Hành chính - Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết: Chưa thể khẳng định việc cấp giấy chứng nhận hợp quy phân bón cho các đơn vị ảnh hưởng tới chất lượng thị trường phân bón hiện nay đến mức nào. Tuy nhiên, sự vô trách nhiệm của các đơn vị giám định chất lượng đã làm cho thị trường phân bón trở nên nhiễu loạn.

Trước thực trạng nêu trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo: Kiên quyết xử lý nghiêm những DN vi phạm; đồng thời yêu cầu Cục Trồng trọt thu hồi 11 giấy phép hoạt động giám định phân bón. Các DN kinh doanh phân bón tổ chức lại hệ thống phân phối, giảm khâu trung gian, quy định rõ trách nhiệm của các tổng đại lý, các đại lý và chịu trách nhiệm quản lý chất lượng phân bón của DN đến tận người sử dụng. Các bộ, ngành địa phương, DN phải thực hiện đúng quy hoạch phát triển ngành phân bón, không đầu tư tràn lan, dàn trải; sản xuất phải căn cứ nhu cầu thị trường, bảo đảm hiệu quả kinh doanh, tránh tình trạng bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh…

Đối với việc quản lý nhà nước ở địa phương, ông Đinh Quang Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Diễn cho biết: Phân bón trên thị trường có quá nhiều chủng loại, loại nào cũng quảng cáo rầm rộ với chất lượng vượt trội nên chính quyền - cơ quan quản lý nhà nước địa phương không thể khuyến cáo được nông dân. Ngoài ra, việc quản lý chất lượng phân bón ở tuyến cơ sở còn nhiều bất cập vì nhân lực thiếu và kiêm nghiệm nhiều việc. Khi nông dân sử sụng phân bón kém chất lượng muốn kiện nhà sản xuất hay đại lý cũng khó vì ảnh hưởng tới chất lượng cây trồng còn do các yếu tố về thời tiết… Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc cấp chứng nhận phân bón cho đơn vị, nếu không thì chính quyền cũng đành chịu, không thể phân biệt chất lượng bằng mắt thường.

Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phát hiện 11 đơn vị mắc nhiều lỗi vi phạm liên quan tới chứng nhận và kiểm nghiệm phân bón. Trong đó, đơn vị có số lượng chứng nhận lớn nhất là Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ đã chứng nhận cho 496 sản phẩm không nằm trong danh mục, 1.274 sản phẩm phân bón vô cơ ngoài phạm vi được chỉ định; không thực hiện giám sát khi cấp dấu hợp quy cho 276 DN sản xuất và kinh doanh phân bón… 
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường phân bón bị thả nổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.