(HNMO) - Chiều 12-5, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã công bố kết quả kinh doanh của thị trường ô tô trong nước tháng 4, cho thấy sự “rơi tự do” đúng như nhiều e ngại trước đó.
Hầu hết các hãng xe phổ thông đều giảm doanh số trong tháng 4, thời điểm Việt Nam bắt đầu thực hiện cách ly xã hội để đối phó dịch bệnh. Tổng cộng chỉ có 11.761 xe bán ra, đồng nghĩa rằng thị trường có tháng thứ hai liên tiếp sụt giảm, ở mức 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉ lệ xe nhập khẩu giảm mạnh, tới 40% so với tháng trước đó, xuống chỉ còn 4.361 xe. Mức này chỉ bằng khoảng một nửa so với xe lắp ráp trong nước (7.400 xe).
TC Motor, nhà sản xuất và phân phối xe Hyundai tại Việt Nam, cũng chỉ đạt 2.206 xe (giảm 57%), trong khi Honda chứng kiến mức giảm 52%. Không một hãng xe phổ thông nào có mức tăng trưởng dương, trừ Isuzu (chỉ 2%).
Về khía cạnh xe thương mại và chuyên dụng, doanh số tháng 4 của các nhà sản xuất thuộc VAMA cũng chứng kiến mức giảm tương ứng 36% và 16% so với tháng 4-2019.
Mặc dù việc kinh doanh sa sút, nhưng thứ tự bảng xếp hạng các mẫu xe bán chạy trong tháng 4 không có nhiều khác biệt so với tháng 3. Toyota Vios vẫn là cái tên đứng đầu bảng với 1.106 xe tới tay người tiêu dùng, tập trung ở khu vực phía Bắc và phía Nam. Kế đến là đối thủ mạnh Hyundai Accent với 618 chiếc.
Thay đổi lớn nằm ở việc nhà vô địch một thời Mitsubishi Xpander (380 xe) giờ đây khiêm tốn ở vị trí thứ 10. Bên cạnh đó, dù phải đối mặt với một số khó khăn trong triệu hồi nhưng chiếc bán tải Ford Ranger bất ngờ vươn lên vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng, với 481 xe bán ra.
Ở vị trí thứ tư, Mazda CX-5 là mẫu xe duy nhất thuộc thương hiệu này nằm trong nhóm xe bán chạy, với 459 chiếc.
Các mẫu xe khác trong nhóm 10 xe bán chạy nhất gồm: Hyundai i10 (456 xe) ở vị trí thứ năm; Honda CR-V (411 xe) ở vị trí thứ sáu; KIA Soluto (401 xe) ở vị trí thứ bảy; Toyota Fortuner (392 xe) ở vị trí thứ tám. Đây cũng là những mẫu đứng đầu danh sách bán chạy trong phân khúc tương ứng.
Giới phân tích cho rằng, khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ, các hoạt động kinh tế cơ bản được khôi phục từ đầu tháng 5, thị trường ô tô có thể tăng trưởng trở lại. Động lực tăng trưởng sẽ đến cả từ việc các thương hiệu và hệ thống đại lý đẩy mạnh kích cầu qua các hình thức giảm giá, tặng quà...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.