(HNMO) - Tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội hiện ước tính đạt 706.530 m2, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý 2/2016, không có dự án mới gia nhập thị trường.
Theo nghiên cứu của các công ty bất động sản, thị trường gần đây đón nhận những tín hiệu tốt về công suất cho thuê. Tỷ lệ trống của toàn thị trường giảm 0,9 điểm % so với quý trước, đạt 11,9%. Tuy nhiên, giá thuê giảm 1,7% so với quý trước và giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thuê giảm chủ yếu diễn ra tại các trung tâm thương mại nằm ngoài trung tâm.
Không gian mua sắm ở Tràng Tiền Plaza. |
Việc thu hút khách thuê chủ chốt đang ngày đóng vai trò quan trọng cho thành công của một trung tâm thương mại. Nếu như trước đây các trung tâm thương mại chủ yếu tập trung vào lĩnh vực mua sắm, trong thời gian gần đây, các hạng mục vui chơi, giải trí, ăn uống đang trở nên phổ biến hơn.
Bên cạnh đó, siêu thị cũng trở thành một hạng mục thiết yếu trong các trung tâm thương mại. Số lượng các siêu thị đang tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt là các tên tuổi lớn như Co.op mart (từ 50 siêu thị cuối năm 2010 tăng 84 siêu thị), Vinmart (mở rộng 50 siêu thị trong hơn 2 năm), Big C (từ 12 siêu thị cuối năm 2010 tăng 33 siêu thị), Lotte mart (14 siêu thị).
Báo cáo về “Kế hoạch mở rộng của các nhà bán lẻ quốc tế trong năm 2016” của Công ty CBRE nhận định: “Xu hướng lạc quan một cách thận trọng, với đa số nhà bán lẻ (67%) muốn mở không nhiều hơn 20 cửa hàng trong năm nay. Mối quan tâm lớn nhất bao gồm: Tăng giá bất động sản, kinh tế không minh bạch, không có nguồn cung bán lẻ chất lượng. Loại hình bán lẻ ưa thích là nhà phố thương mại và trung tâm thương mại”.
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang đứng trước tương lai nhiều triển vọng, nhưng theo tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, sự có mặt và liên tục mở rộng quy mô của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới đang khiến cạnh tranh trong lĩnh vực này của các nhà bán lẻ Việt Nam ngày càng khó khăn. Đồng thời, áp lực cạnh tranh cũng dẫn đến hệ quả một số lượng đáng kể các nhà bán lẻ bị "đào thải" và đã rời khỏi thị trường Việt Nam, còn nhà sản xuất nội địa khó đưa hàng hoá vào hệ thống bán lẻ nước ngoài. Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng có thể tận dụng được cơ hội hay không sẽ tùy thuộc vào ngành bán lẻ Việt Nam; trong đó có cả doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.