Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến trầm lắng trong ngày Mỹ nghỉ lễ President’s day, trong đó giá dầu biến động nhẹ.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, đóng cửa, chỉ số MXV-Index tăng không đáng kể và dừng ở mức 2.350 điểm.
Trong phiên giao dịch ngày 17-2, thị trường dầu đóng cửa sớm. Tính đến 2h30 ngày 18-2, giá dầu WTI ở mức 71,38 USD/thùng, tăng 0,9%. Trong khi đó giá dầu thô Brent tăng 0,6%, lên mức 75,22 USD/thùng.
Giá dầu tăng nhẹ sau khi xảy ra một vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào trạm bơm đường ống Kropotkinskaya ở vùng Krasnodar phía nam của Nga, làm giảm lượng dầu từ Kazakhstan.
Các nhà đầu tư lo ngại xung đột leo thang có thể khiến đứt gãy nguồn cung dầu ra thế giới qua khu vực biển Caspi.
Hạn chế đà tăng của giá dầu là viễn cảnh về một cuộc chiến thương mại toàn cầu có thể diễn ra, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu các quan chức thương mại và kinh tế nghiên cứu mức thuế quan đối với các quốc gia áp dụng thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ.
Ngoài ra, thông tin từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh bao gồm Nga, cho biết sẽ tiếp tục tăng nguồn cung dầu hằng tháng, dự kiến bắt đầu từ tháng 4. Điều này sẽ khiến tình trạng dư cung trên thị trường có thể trở nên trầm trọng hơn.
Trong ngày giao dịch đầu tuần, thị trường chứng kiến diễn biến phân hóa ở nhóm kim loại.
Theo đó, giá bạc đóng cửa sớm ở mức 32,88 USD/ounce, nhích thêm 0,06%, tăng 9% so với cùng thời điểm tháng 1. Trong khi đó, giá bạch kim ở mức 1.007 USD/ounce, đánh mất khoảng 1,17%.
Những lo ngại về bất ổn thương mại toàn cầu tiếp tục hỗ trợ giá bạc duy trì đà tăng. Bên cạnh đó, kể từ cuối tháng 11, tồn kho bạc tại Sàn giao dịch Hàng hóa Chicago (CME) đã tăng 22%, phản ánh nhu cầu tích trữ bạc tại Mỹ trong tình hình căng thẳng gia tăng.
Về phía nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX đóng cửa sớm giảm khoảng 1,6% về mức 10.119 USD/tấn. Trong khi đó, giá quặng sắt chốt phiên cũng giảm nhẹ 0,31% xuống còn 106,46 USD/tấn.
Đối với mặt hàng quặng sắt, giá giao dịch giảm sau khi các cảng xuất khẩu lớn tại Australia nối lại hoạt động sau cơn bão nhiệt đới Zelia, giúp xua tan lo ngại về nguồn cung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.