Thị trường

Thị trường đóng cửa tuần giao dịch biến động mạnh

Lam Giang 01/07/2024 - 09:50

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 24-6 đến 30-6, thị trường hàng hoá ghi nhận nhiều mặt hàng có mức biến động mạnh.

Mặc dù xu hướng giá trái chiều ở 4 nhóm mặt hàng, nhưng lực bán áp đảo hơn đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,06% xuống 2.251 điểm.

1.7.1-ns.png
Bảng giá giao dịch nông sản tuần từ 26-6 đến 30-6. Nguồn: MXV

Nông sản là nhóm dẫn dắt xu hướng giảm của toàn thị trường trong tuần qua khi tất cả các mặt hàng đều chìm trong sắc đỏ. Đáng chú ý, với lực bán chiếm ưu thế trong cả 5 phiên giao dịch, giá ngô CBOT khép lại tuần giao dịch cuối cùng của tháng 6 với mức giảm lên tới 7,49%. Đây là mức giảm hàng tuần lớn nhất mà giá ngô ghi nhận kể từ đầu tháng 7-2023. Triển vọng nguồn cung lạc quan từ Mỹ nhờ diện tích canh tác cao hơn dự kiến đã gây áp lực lớn lên giá ngô trong tuần vừa rồi.

Trong khi đó, tuy vẫn suy yếu 0,39% nhưng đà lao dốc kéo dài trong 4 tuần trước đó của giá lúa mì CBOT đã có dấu hiệu chững lại. Diễn biến giá lúa mì tương đối giằng co trong tuần vừa rồi, khi giá chịu tác động trái chiều bởi các yếu tố cung cầu.

Đặc biệt, báo cáo về tiến độ mùa vụ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết khoảng 52% diện tích lúa mì đông (chiếm hơn 70% tổng sản lượng lúa mì hàng năm của Mỹ) đạt chất lượng tốt trong tuần kết thúc ngày 23-6, tăng 3 điểm phần trăm so với một tuần trước đó và vượt qua kỳ vọng của thị trường.

nl.png
Bảng giá giao dịch năng lượng tuần từ 24-6 đến 30-6. Nguồn: MXV

Kết thúc tuần vừa qua, giá dầu thế giới nối dài đà hồi phục sang tuần thứ ba liên tiếp. Sức nóng từ khu vực Trung Đông bên cạnh yếu tố vĩ mô đã tác động mạnh mẽ lên giá. Chốt tuần, dầu WTI tăng 1% lên 81,54 USD/thùng, giá dầu Brent tăng 1,37% lên mức 86,41 USD/thùng.

Ở một diễn biến khác, khí tự nhiên tiếp tục là mặt hàng ghi nhận đà giảm mạnh nhất nhóm với mức giảm hơn 8% trong tuần trước.

Thời tiết nắng nóng tại Ấn Độ và miền Nam Trung Quốc được dự báo sẽ ổn định hơn kéo theo nhu cầu làm mát suy giảm đã tác động lên giá. Thêm vào đó, tồn kho khí tự nhiên của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 21-6 tăng 52 tỷ feet khối, tuần tăng thứ 9 liên tiếp cũng gây sức ép lên thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường đóng cửa tuần giao dịch biến động mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.