(HNM) - Đã hết tuần đầu của tháng 12, mặc dù thị trường hàng hóa chưa sôi động, song nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là thực phẩm, đã tăng giá từ 5% đến 20%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 11 chỉ tăng 0,83% so với tháng trước. Đây là mức tăng thấp so với nhiều năm trước. Tuy sức mua không tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chuẩn bị nguồn hàng tăng 10-15% để bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường.
Các đơn vị tham gia bình ổn cam kết bảo đảm nguồn cung hàng hóa với giá ổn định. |
Sức mua chưa tăng
Tại cuộc họp giao ban thường kỳ tháng 11 do Bộ Công thương tổ chức mới đây tại Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước cho biết, tháng 11 thị trường hàng hóa đã có những hoạt động chuẩn bị cho dịp lễ, tết cuối năm. Tuy nhiên, sức mua chưa được cải thiện. Một số mặt hàng tiêu thụ tốt hơn chủ yếu là do yếu tố mùa vụ, như xi măng, sắt thép, phân bón, thực phẩm... Giá hàng hóa nói chung và giá các mặt hàng thiết yếu nói riêng nhìn chung không có biến động lớn, một số mặt hàng trong tháng tăng giá nhẹ do tính mùa vụ như phân bón, lúa gạo, hàng tiêu dùng... Nhiều địa phương bắt đầu thực hiện kế hoạch ứng vốn hỗ trợ lãi suất cho các DN dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Nhiều chương trình khuyến mãi lớn được các DN, siêu thị triển khai để chuẩn bị cho nhu cầu mua sắm tết. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 đạt 201.577 tỷ đồng, tăng 0,83% so với tháng 10. Trong đó, ngoài nhóm du lịch tăng thấp (khoảng 0,36%), các nhóm còn lại tăng khá đồng đều (0,82-0,87%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa 11 tháng qua đạt 2.117.897 tỷ đồng, tăng 16,42% so với cùng kỳ 2011.
Cơ cấu này cho thấy, khi kinh tế khó khăn, sức mua và lưu chuyển hàng hóa của ngành thương mại tăng trưởng kém (tăng 15,6%), còn nhóm dịch vụ - du lịch lại tăng tốt hơn (nhóm du lịch tăng 31,3%; dịch vụ tăng 18,6-18,7%). Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 11 tháng chỉ tăng 6,3%. Nhìn vào mức tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa qua từng tháng thì thấy mức tăng này giảm dần đều. Tháng 11 giảm cả về tốc độ tăng doanh thu và lượng bán ra, chỉ tăng khoảng 6,3%, trong khi mức tăng lũy kế của các tháng trước khoảng 6,7-6,8%.
Xử lý nghiêm hành vi găm hàng đầu cơ
Theo Bộ Công thương, đến thời điểm này hầu hết các đơn vị đã thực hiện xong kế hoạch cung ứng hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán 2013. Cùng với đó, không ít DN chuẩn bị kế hoạch cung ứng hàng hóa đầy đủ, thậm chí còn tăng khoảng 20% so với năm ngoái ở tất cả ngành hàng. Các đơn vị tham gia bình ổn năm nay vẫn dồn lực chuẩn bị hàng hóa cho nhóm hàng thiết yếu có khả năng chi phối hơn 50% nhu cầu thị trường như dầu ăn, đường, thịt, trứng, thực phẩm chế biến...
Các DN tham gia bình ổn thị trường đều lo ngại về sức mua dịp tết năm nay. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị tham gia bình ổn thị trường cam kết bảo đảm nguồn cung với giá cả ổn định, không để thiếu hàng, tăng giá đột biến. Để bảo đảm ổn định nguồn cung, Bộ Công thương có kế hoạch chi tiết, chuẩn bị đủ lượng hàng, tránh xảy ra tình trạng thiếu hụt dẫn đến đầu cơ tích trữ, đẩy giá hàng hóa lên cao bất hợp lý. Đặc biệt, đón bắt nhu cầu người tiêu dùng, một số DN sản xuất bánh kẹo trong nước có thương hiệu đã, đang phát huy thế mạnh để chiếm lĩnh thị trường, góp phần tích cực thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" bằng chất lượng và số lượng sản phẩm, cải tiến khâu phân phối.
Để ổn định thị trường trong nước tháng cuối năm, Bộ Công thương tiếp tục khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất nhằm giảm tồn kho, thúc đẩy sản xuất; chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các DN; thực hiện tốt thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau giữa các DN thuộc Bộ. Các DN tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, sử dụng nguyên liệu, thiết bị trong nước đã sản xuất được để giảm chi phí, nhất là sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên nhằm tăng hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần giảm nhập siêu. Ngoài ra, Bộ sẽ tập trung kiềm chế lạm phát, theo dõi sát biến động thị trường thế giới để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho DN xuất khẩu; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để chủ động và linh hoạt trong điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường, bình ổn giá; thực hiện các chính sách kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ, góp phần kiềm chế nhập siêu. Các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại và mậu dịch biên giới; kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu, an sinh xã hội.
Ban Chỉ đạo 127 trung ương đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố tăng cường các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế tăng giá, đặc biệt với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ găm hàng, đưa tin thất thiệt, nhằm tăng giá quá mức để trục lợi. Bộ Công thương đã giao Cục Quản lý thị trường phối hợp với cơ quan quản lý giá tăng cường thanh, kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ tết, nếu đơn vị nào kinh doanh trái quy định, có tình trạng găm hàng tăng giá sẽ bị xử lý nghiêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.