(HNM) - Thị trường điện máy, ngoài hàng chính hãng, chính ngạch còn có hàng xách tay, hàng cũ
Rắc rối bảo hành
Đến khiếu nại tại Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh, ông Trương Quang Trung (ngụ quận Gò Vấp) cho biết, cuối năm 2012, ông mua một chiếc điện thoại di động hiệu Sony tại cửa hàng Ngọc Thành (đường Lê Hồng Phong, quận 10) với giá 8,7 triệu đồng. Nhân viên cửa hàng giới thiệu đây là "hàng xách tay" nên giá khá rẻ so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Dù nghi ngại nhưng ông vẫn mua vì sản phẩm được bảo hành 12 tháng. Chuyện rắc rối bắt đầu khi điện thoại bật không lên nguồn và cửa hàng thay vì bảo hành lại chỉ sửa có tính tiền vì cho rằng điện thoại hỏng do bị rơi hay va đập mạnh. Lúc này, ông mới giật mình vì phiếu bảo hành mình đang giữ là do cửa hàng tự in, không phải của hãng và ông cũng không được nhận hóa đơn mua hàng để chứng minh giao dịch mua bán.
Trung tâm điện máy HomeOne đóng cửa, bỏ ngỏ quyền lợi người tiêu dùng. |
Mua hàng chính hãng, có hóa đơn, có bảo hành lại bị thiệt kiểu khác. Khách hàng Phạm Hữu Hiền cho biết, ông mua máy in hiệu Samsung ML 28500, bảo hành 1 năm, giá gần 1,3 triệu đồng tại Công ty cổ phần máy tính Hoàn Long (gọi tắt là máy tính Hoàn Long, quận 1). Từ khi mua về, máy hay bị kẹt giấy, chất lượng in không tốt, không in được 2 mặt như chức năng của dòng máy này. Khi đem máy đến Samsung bảo hành thì được biết đời máy đã quá cũ, không còn được bảo hành chính hãng. Đến máy tính Hoàn Long thì đơn vị này chấp nhận bảo hành, nhưng sau đó không đồng ý do tem của máy tính Hoàn Long đã bị phía Samsung làm rách trong lần kiểm tra trước đó.
Gần đây nhất là vụ chuỗi cửa hàng điện máy HomeOne tại TP Hồ Chí Minh đóng cửa nhưng công ty chủ quản chưa có phát ngôn về giải quyết chế độ hậu mãi cho khách hàng. Trước đó, khi điện máy WonderBuy đóng cửa, Công ty cổ phần Ðiện tử Nguyễn Kim đã tiếp nhận bảo hành thay nhưng thực tế không suôn sẻ vì có nhiều hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng không thương hiệu, không thể bảo hành.
Phòng ngừa rủi ro
Qua thực tế kiểm tra và xử lý vi phạm, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết hàng kim khí điện máy thường bị làm giả với trình độ tinh vi, người thiếu chuyên môn ít có khả năng phân biệt. Một số cửa hàng còn có thủ thuật cạo sửa nhãn hiệu Trung Quốc thành nhãn hiệu nước khác gây nhầm lẫn cho khách hàng để bán với giá cao hơn. "Hàng nhập ngoại đang bán trên thị trường không có hàng loại 2 nên giá bán không chênh lệch nhiều. Ví dụ, bàn ủi Philips giả, nhập lậu bán chỉ 40.000-50.000 đồng trong khi hàng chính hãng đang bán ở mức 180.000-190.000 đồng. Máy xay sinh tố Philips giả bán chỉ 135.000-140.000 đồng trong khi hàng thật có giá 340.000-390.000 đồng. Vì thế người tiêu dùng không nên ham rẻ, càng rẻ càng nên nghi ngờ vì rất có thể đó là hàng giả. Đồng thời, khi mua hàng phải kiểm tra kỹ tem nhãn và hóa đơn, phải có bảo hành của chính hãng", đại diện Chi cục Quản lý thị trường thành phố khuyến cáo. Đơn vị này cũng khuyên người tiêu dùng mua sắm tại các trung tâm đáng tin cậy hoặc các cửa hàng đại diện phân phối của nhà sản xuất vì mua ở các điểm này thường có các chế độ bảo hành, hậu mãi nghiêm túc, có thể tránh các sự cố hỏng hóc về sau.
Theo các chuyên gia về thị trường điện máy, do cạnh tranh khốc liệt nên thời gian tới có thể các nhà bán lẻ sẽ gặp phải khó khăn nhiều hơn, thậm chí phá sản. Vì vậy, người tiêu dùng nên lựa chọn các điểm bán uy tín vì đối với nhóm hàng điện máy, quá trình sử dụng và bảo hành sản phẩm mới là quan trọng. Do thói quen của người tiêu dùng là muốn được bảo hành tại nơi đã mua sản phẩm nên một số nơi bán đã trà trộn hàng giả, hàng nhái vào bán rồi cấp giấy bảo hành riêng cho khách. Vì không có nhà sản xuất chịu trách nhiệm, nên các quyền lợi về hậu mãi cho khách hàng khi mua hàng không chính hãng là "tùy tâm" của nơi bán, nếu nơi bán phủi trách nhiệm thì người mua chỉ còn biết chịu thiệt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.