Sáng 1-10, quân đội Israel (IDF) tuyên bố chính thức bắt đầu chiến dịch tấn công giới hạn trên bộ nhằm vào các mục tiêu của Hezbollah ở phía nam Liban.
Theo tuyên bố của IDF, chiến dịch này nhắm vào các vị trí của Hezbollah tại các làng gần biên giới, được xem là mối đe dọa đối với cộng đồng dân cư ở phía Bắc Israel.
Tuyên bố nhấn mạnh lực lượng pháo binh và không quân Israel đang hỗ trợ bộ binh trong cuộc tấn công này. IDF khẳng định chiến dịch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trước đó, ngày 30-9, IDF đã kêu gọi người dân ở ba khu vực phía nam Beirut sơ tán, chuẩn bị cho cuộc tấn công sắp diễn ra. Người phát ngôn IDF Avichay Adraee lưu ý IDF sẽ hành động cương quyết.
Cùng ngày 30-9, IDF cũng thông báo đóng cửa 3 khu vực dân cư gần biên giới Liban, bao gồm các khu vực xung quanh cộng đồng Metula, Misgav Am và Kfar Giladi ở miền bắc Israel. Các khu vực này được chuyển thành khu vực quân sự đóng cửa, cấm người dân ra vào.
Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Israel đang tiến hành các hoạt động quân sự hạn chế nhằm vào lực lượng Hezbollah bên trong lãnh thổ Liban. Người phát ngôn Matthew Miller cho biết: "Israel đã thông báo với chúng tôi rằng họ đang tiến hành các hoạt động hạn chế nhắm vào cơ sở hạ tầng của Hezbollah gần khu vực biên giới".
Phản ứng trước tình hình, quân đội Liban đang tái bố trí lực lượng dọc biên giới phía nam. Một quan chức quân sự giấu tên tiết lộ quân đội Liban đang "tái bố trí và tập hợp lại lực lượng" ở khu vực biên giới, đề phòng Israel tấn công các mục tiêu của Hezbollah.
Cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng. Ngày 30-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden phản đối việc Israel tiến hành chiến dịch trên bộ tại Liban và kêu gọi ngừng bắn. Liên hợp quốc (LHQ) cũng tuyên bố phản đối kế hoạch tấn công trên bộ của Israel vào Liban.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly kêu gọi chấm dứt hoàn toàn xung đột ở Liban và thúc giục Hezbollah và Israel chấp nhận lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng cho biết đã trao đổi với người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu về tình hình Tây Á và nhấn mạnh yêu cầu hạ nhiệt căng thẳng.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đề xuất Đại hội đồng LHQ khuyến nghị sử dụng vũ lực nếu Hội đồng Bảo an không ngăn chặn được tình hình. Ông cũng kêu gọi các nước Hồi giáo thực hiện các biện pháp kinh tế, ngoại giao và chính trị chống lại Israel.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.