Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường chứng khoán: Vì sao tụt dốc ?

Đức Anh| 14/08/2010 08:35

(HNM) -


Nhà đầu tư theo dõi thông tin trên sàn chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội.  Ảnh: Linh Tâm


Kể từ cuối tháng 5 đến hết tháng 7-2010, TTCK hầu như không biến động. Các chỉ số CK tăng hay giảm chỉ trong biên độ hẹp, VN-Index quanh ngưỡng 500 điểm, còn HNX-Index "trồi", "sụt" ở 160 điểm. Nhưng, từ đầu tháng 8 đến nay, nhà đầu tư trong nước đã không còn kiên nhẫn chờ những tín hiệu lạc quan mới của thị trường nên đã "bán tháo" cổ phiếu (CP), kéo các chỉ số CK giảm sâu. Chỉ trong hai phiên giao dịch ngày 9 và 10-8, VN-Index mất hơn 20 điểm, đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ cuối năm 2009, đạt 461,67 điểm (phiên 10-8). Phiên 11-8, thị trường hồi phục nhẹ, chốt phiên VN-Index đạt 463,12 điểm, HNX-Index đạt 139,12 điểm.

Theo các chuyên gia, TTCK là nơi phản ánh rõ nhất những biến động của nền kinh tế. Mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự sụp đổ của hệ thống tài chính thế giới, nhưng với việc gia nhập WTO, nước ta trở thành một phần không thể tách rời của kinh tế thế giới, vì vậy vẫn phải chịu những hậu quả gián tiếp từ suy thoái kinh tế. Trong những phiên gần đây, sắc đỏ của các sàn CK lớn trên thế giới cũng khiến tâm lý của giới đầu tư trong nước dao động. Giới đầu tư không còn lạc quan về một tương lai sáng sủa của nền kinh tế thế giới. Thêm vào đó, thông tin không mấy lạc quan về "sức khỏe" của nền kinh tế "đầu tàu" thế giới là Mỹ ngay lập tức như "đòn giáng" xuống TTCK. Những thông tin này cũng khiến giới đầu tư trong nước lo TTCK trong nước sẽ giảm sâu. Tại hội thảo về "Tình hình kinh tế thế giới và tác động đến Việt Nam" do Công ty Chứng khoán Dầu khí tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Hiroki Shimazu, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Đầu tư Nikko Cordial (Nhật Bản) cho rằng, mặc dù thời kỳ "đen tối" của nền kinh tế thế giới đã lùi lại phía sau, nhưng nhà đầu tư vẫn lo ngại. Điều này thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm ở Mỹ, sức cầu từ các hộ gia đình giảm...

Theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TƯ, các giải pháp mà Chính phủ đã thực hiện thời gian qua cho thấy những tháng đầu năm 2010 là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô. Trong ngắn hạn, ổn định kinh tế vĩ mô có thể khiến tăng trưởng chậm, nhưng về lâu dài, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế là không có mâu thuẫn. Kinh tế vĩ mô ổn định là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng GDP. Rủi ro vẫn còn, song có thể kiểm soát được, nhưng TTCK muốn ổn định thì phải hiểu kinh tế vĩ mô. Với những bất ổn kinh tế có thể gặp phải từ nay đến cuối năm, nếu nhà đầu tư tham gia TTCK hiểu được kinh tế vĩ mô và có điều chỉnh phù hợp, thị trường sẽ không có biến động nhiều; nếu không, thị trường sẽ vẫn biến động như trong thời gian
vừa qua.

Khó có thể kỳ vọng về sự phục hồi mạnh của TTCK, song các chuyên gia lại cho rằng, giá CP đang ở mức hấp dẫn cho nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch ở mức cao trong mấy phiên gần đây là dấu hiệu thị trường đang tìm đến điểm cân bằng cung-cầu. Tuy nhiên, xu hướng chung của thị trường trong những phiên tới vẫn là giảm điểm, bởi chính sách tiền tệ chưa có dấu hiệu được nới lỏng. Mặc dù vậy, nhà đầu tư không nên quá bi quan mà bán tháo CP. Trên thực tế, một số nhà đầu tư đã "lợi dụng" tình hình thị trường để "ghìm" giá CP, đặt giá thấp, để sau đó tranh thủ gom CP giá rẻ. Đại diện Công ty CK SBS nhận định, trong bối cảnh hiện nay, tâm lý nhà đầu tư đóng vai trò như chìa khóa mở cho dòng tiền lưu thông, giúp thị trường hồi phục. Các mã CP đã về mức tốt cho mục đích đầu tư từ ngắn hạn đến dài hạn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường chứng khoán: Vì sao tụt dốc ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.