Ngày 9-4, hơn 250 đại biểu trung ương, địa phương và doanh nghiệp đã tham dự diễn đàn “Cơ chế đặc thù và dòng vốn cho thị trường bất động sản.
Sự kiện do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh.
Cơ chế đặc thù giúp hồi sinh hàng trăm dự án bất động sản
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Trung Sơn, Phó Tổng Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình nhấn mạnh, thị trường bất động sản đang đối mặt với nhiều khó khăn. Hàng trăm dự án bị đình trệ do vướng mắc pháp lý, trong khi dòng vốn gặp nhiều rào cản từ tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp.
“Ban tổ chức kỳ vọng các vấn đề được bàn luận tại diễn đàn sẽ góp phần đưa ra các giải pháp để tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc pháp lý - nhất là về quy hoạch, định giá đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; khơi thông dòng vốn một cách an toàn, hiệu quả; kết nối hài hòa giữa chính quyền - doanh nghiệp - người dân để chuyển hóa khó khăn thành cơ hội mới cho ngành bất động sản”, ông Nguyễn Trung Sơn nói.
Diễn đàn gồm 2 phiên thảo luận. Chủ đề phiên thảo luận 1 là “Gỡ vướng cho thị trường bất động sản bằng cơ chế đặc thù”. Chủ đề phiên thảo luận 2 là “Linh hoạt trong chính sách tiền tệ để thị trường bất động sản phát triển bền vững”.
Phát biểu trong phiên thảo luận 1, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, Quốc hội mới thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản. Ngay sau đó, Quốc hội thông qua hai Nghị quyết 170 và 171, quy định những cơ chế đặc thù giúp tháo gỡ các vướng mắc đang tồn đọng tại nhiều dự án bất động sản trên địa bàn cả nước.
“Cơ chế đặc thù cho phép doanh nghiệp dự án có sai phạm trước đây được tiếp tục triển khai dự án, sau khi những cá nhân, vấn đề sai phạm đã được xử lý nghiêm khắc. Cơ chế đặc thù cũng cho phép doanh nghiệp được nhận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở thương mại, thay vì phải có đất ở như quy định trước đây. Luật Đất đai 2024 đã tạo cơ hội cho nhà đầu tư tiếp cận nhiều loại đất khác nhau. Các chính sách nêu trên đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản”, GS.TS Hoàng Văn Cường nói.
Tham gia thảo luận, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Anh Quân cho biết, Hà Nội đang tích cực rà soát, xác định lại giá đất và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các vấn đề của các dự án gặp vướng mắc trước đây. Tính đến tháng 4-2025, tổ công tác đã họp 7 phiên với 6 phiên họp đầu tiên đã tháo gỡ điểm nghẽn cơ bản cho 24/36 dự án được khởi động lại. Các biện pháp trên thể hiện sự quyết tâm của Hà Nội trong việc tháo gỡ các dự án theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh thông tin, theo luật cũ, thành phố Hồ Chí Minh có 86 dự án không thể triển khai được liên quan đến 57.000 căn nhà. Doanh nghiệp bị chôn vốn gặp rất nhiều khó khăn. Sau Nghị quyết 171, các dự án dần được tháo gỡ. Hiện, thành phố nhận được đăng ký thí điểm 343 dự án với 1.913ha. Dự kiến sẽ có thêm 216.000 căn nhà được đưa ra thị trường trong vòng 3 đến 10 năm tới.
“Khi chúng ta đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng cho mỗi héc-ta dự án nhà ở thương mại thì sẽ có 1 triệu 910 tỷ đồng đầu tư ra ngoài xã hội và kéo theo 35 ngành kinh tế, tạo việc làm cho hàng triệu lao động”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.
Quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng
Trong phiên thảo luận 2, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh thông tin về việc “thị trường bất động sản đang quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng”.
Theo ông Lệnh, hiện, tổng dư nợ tín dụng bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh đạt 1,085 triệu tỷ đồng, chiếm 27,5% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Tăng trưởng lĩnh vực này còn cao hơn tăng trưởng tín dụng chung. Do vậy, không có việc ngân hàng gây khó. Việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản giúp tạo lập nhà ở, thúc đẩy thị trường bất động sản tăng trưởng phát triển...
“Cho vay nhà ở thương mại dễ dàng. Điểm khó của vấn đề này hiện là cơ chế cho người nghèo vay tiền ngân hàng mua nhà ở xã hội khi giá nhà quá cao. Mua căn hộ ở thành phố Hồ Chí Minh giá thấp nhất 1 tỷ đồng mà vay 800 triệu đồng thì rất khó khăn cho người vay mặc dù lãi suất rất thấp. Do vậy, việc Nhà nước tăng điều kiện về thu nhập lên dưới 30 triệu đồng hai vợ chồng, một người dưới 15 triệu đồng…, có ý nghĩa rất lớn cho xã hội và thị trường”, ông Lệnh thông tin.
Còn TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề xuất, cần phải có thêm các cơ chế đặc thù tiếp theo để giải quyết vấn đề, như với giải phóng mặt bằng. Đơn cử, khu Trung Văn ở Hà Nội, vẫn còn những khu vực quây tôn nhếch nhác cạnh những cao ốc cao đẹp, do doanh nghiệp còn phải đi thỏa thuận đền bù với từng hộ dân... Thống kê sơ bộ, trong khoảng 1.000 dự án bị ách tắc, nguồn tiền bị chôn vào đó là trên 30 tỷ USD. Nếu các dự án này được giải phóng thì sẽ tạo động lực kinh tế rất mạnh…
Kết thúc diễn đàn, Ban tổ chức và các đại biểu cùng thống nhất nhận định, Trung ương, đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm, với thông điệp nhất quán về việc phát huy vai trò của kinh tế tư nhân, đã mở ra kỳ vọng vào giai đoạn phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững. Điều này cho thấy, Đảng và Nhà nước luôn đồng hành cùng thị trường, kiên trì cải cách thể chế, tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và người dân hiện thực hóa giấc mơ an cư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.