Diễn biến thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2024 đã được khắc họa rõ nét bằng những tín hiệu đảo chiều ở một số phân khúc, loại hình nhà ở. Đồng thời, kịch bản cho chặng cuối năm 2024 cũng sáng tỏ hơn với kỳ vọng phục hồi mạnh bởi được tiếp sức bằng những trợ lực đặc biệt.
Tín hiệu phục hồi đã rõ
Sau giai đoạn "chạm đáy" vào cuối quý IV-2022, đầu quý I-2023, lượt tìm kiếm bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2024 đã có những biến động mạnh về mức độ quan tâm. Dữ liệu trực tuyến của Batdongsan.com.vn tại hai thị trường lớn nhất cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hầu hết các loại hình bất động sản đều ghi nhận lượt tìm kiếm tăng trưởng tích cực.
Đáng chú ý, thị trường bất động sản Hà Nội ghi nhận biến động mạnh nhất ở loại hình đất nền. Cụ thể, lượt tìm kiếm các loại đất nền, thổ cư tăng 118% so với cùng kỳ năm 2023. Chung cư Hà Nội cũng là loại hình có biến động lượt tìm kiếm tăng mạnh trong nửa đầu năm 2024, với mức tăng khoảng 46% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, nhà riêng, nhà phố và biệt thự ghi nhận lượt tìm kiếm tăng lần lượt 33%, 27% và 9%.
Tuy không biến động mạnh như Hà Nội nhưng lượt tìm kiếm các loại hình bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận mức tăng khá cao. Cụ thể, lượt tìm kiếm các loại đất tăng 45%; nhà riêng tăng 34%, chung cư, biệt thự và nhà phố tăng lần lượt 33%, 25% và 22%.
Về giá bán chung cư trên thị trường sơ cấp, theo thống kê của CBRE (đơn vị tư vấn bất động sản) đến thời điểm hiện tại, mức giá trung bình đã tiệm cận 60 triệu đồng/m2 và mức giá tại hai thị trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh gần ngang nhau. Tỷ trọng nguồn cung mới phân khúc cao cấp vẫn tiếp tục tăng, cùng với sự hiện diện mạnh mẽ hơn của các chủ đầu tư phía Nam khiến mặt bằng giá giữ ở mức cao.
Cùng với chung cư, giá nhà riêng cũng tăng 32% so với nửa đầu năm 2023. Nguyên nhân được cho là do giá chung cư tăng cao và nguồn hàng khan hiếm, nhiều người chuyển sang tìm kiếm nhà riêng ở cùng tầm giá 2-4 tỷ đồng, khiến giá bán ở phân khúc này cũng tăng mạnh. Tương tự, giá đất, giá biệt thự và nhà phố tại Hà Nội cũng tăng lần lượt 19%, 18% và 10%. Khảo sát với nhóm các nhà môi giới, đa số cho biết, giao dịch nhà riêng tương đối ổn định trong hai quý vừa qua.
Kịch bản nào cho nửa cuối năm 2024?
Trước diễn biến thực tế 6 tháng qua, cùng với kỳ vọng có được trợ lực mạnh mẽ nếu các luật liên quan tới bất động sản sớm đi vào cuộc sống, kịch bản cho thị trường 6 tháng cuối năm cũng dần rõ nét.
Theo chương trình kỳ họp thứ bảy, hôm nay (29-6), Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, cho phép 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1-8-2024, sớm hơn 5 tháng so với thời điểm đã được quyết định trước đó.
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải nhận định, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có nhiều nội dung đổi mới hết sức quan trọng trong quản lý, lành mạnh hóa thị trường, phát triển các phân khúc nhà ở, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia thị trường bất động sản. Thêm vào đó, nhiều chính sách trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có thể thực hiện được ngay mà không cần phải đợi văn bản hướng dẫn chi tiết, như chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư…
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu tin tưởng, các quy định mới sẽ có tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản. Ngoài ra, năm 2023 cho thấy, thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Theo đó, thị trường sẽ bắt đầu phục hồi từ cuối năm 2024, tuy chậm mà chắc.
Cùng đặt nhiều kỳ vọng Quốc hội cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, nếu có những “cú hích”, thị trường sẽ theo kịch bản tăng trưởng mạnh mẽ.
“Chính phủ đang khẳng định có đầy đủ cơ sở cho các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được ban hành bảo đảm tiến độ, chất lượng, để triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản khi các luật này có hiệu lực, qua đó tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kim Chung cho biết.
Theo dõi thị trường bất động sản trong suốt 30 năm qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kim Chung cũng chia sẻ thông tin về chu kỳ 10 năm một lần, thị trường sẽ lặp lại vòng khó khăn, phục hồi, ổn định và tăng trưởng. Trong đó, thời điểm khó khăn thường rơi vào thời gian xem xét thông qua Luật Đất đai mới (năm 1993, năm 2003, 2013). Tùy từng điều kiện, mỗi giai đoạn kéo dài khoảng 2-3 năm. Từ đầu quý II-2022, thị trường bất động sản rơi vào suy thoái. Do đó, đến quý II-2024, đủ thời gian 2 năm, theo quy luật trên, thị trường sẽ dần ổn định và phát triển trở lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.