Hằng năm, học sinh (HS) các cấp thường tham gia rất nhiều cuộc thi với chủ đề khác nhau, như: Tìm hiểu về an toàn giao thông, về tác hại của ma túy… Các cuộc thi này rất ý nghĩa, giúp HS thêm hiểu biết về kiến thức xã hội, nhưng nhiều em không hào hứng tham gia. Chúng ta hãy cùng lắng nghe ý kiến của các em và phụ huynh nhé.
Em Trần Thu Trang (HS lớp 7A, Trường THCS Nguyễn Du):
- Năm nào em cũng tham gia khá nhiều cuộc thi tìm hiểu vì cả lớp và cả trường đều phải tham gia. Hễ bạn lớp trưởng hay cô giáo chủ nhiệm mang về câu hỏi dự thi thì cũng kèm luôn cả đáp án. Chúng em chỉ việc chép nên chẳng bạn nào hào hứng. Có bạn thì chép cẩn thận từ đầu đến cuối, có bạn thì chép qua loa cho xong. Sau mỗi cuộc thi như thế em chỉ nhớ mang máng tên cuộc thi, bây giờ nếu phải kể lại cho "Mỗi tuần một câu hỏi" về nội dung những cuộc thi đã tham gia thì em chịu.
Em Nguyễn Thanh Hà (HS lớp 9A6, Trường THCS Đoàn Thị Điểm):
- Em cũng rất quen thuộc với cuộc thi dạng này và chúng em còn hay gọi vui là "thi chép". Cuộc thi vừa có câu hỏi đã có ngay "gợi ý trả lời" nên chúng em không cần suy nghĩ. Thế nên, cứ thứ hai chào cờ đầu tuần, nghe phát động cuộc thi tìm hiểu thì HS ở dưới ồ lên "lại phải tập chép rồi". Nhưng dù không hào hứng thì cũng phải tham gia vì nếu không nộp bài thì lớp sẽ bị mất điểm thi đua. Lớp nào cũng muốn nộp đủ số lượng nhanh nhất nên HS chỉ cần chép như tờ "gợi ý trả lời" là xong. Thực ra, nhiều cuộc thi tìm hiểu có phần câu hỏi rất hay nhưng tại sao cứ phải chép theo đáp án có sẵn thế? Nếu là cuộc thi thì phải dành thời gian cho HS tự tìm hiểu câu trả lời chứ!
Cô Nguyễn Thu Hà (phụ huynh HS, 98 Trần Duy Hưng):
- Mỗi năm tôi đều thấy con tôi tham gia 5-6 cuộc thi như vậy. Cứ mỗi lần "thi" kiểu này là tôi lại thấy con chăm chú ngồi chép theo tờ đáp án đính kèm ngay với phần câu hỏi mà cô giáo đã phát sẵn. Nhiều bài dự thi phải chép từ 8 đến 10 trang giấy A4. Cháu thậm chí không còn biết đang chép cái gì nữa. Có lần, cháu còn cố viết chữ thật thưa, thật to, hoặc bỏ bớt vài đoạn cốt để xong. Tôi không hiểu những cuộc thi này có ý nghĩa gì? Hay là để dạy cho trẻ cách thi kiểu đối phó.
Lỗi lớn nhất có lẽ là do bệnh thành tích của người lớn vì nhà trường, thầy cô giáo cho đến ban tổ chức đều chỉ cần các em tham gia đông đủ. Lớp nào, trường nào cũng phải đủ 100% HS nộp bài dự thi đúng theo đáp án đã được soạn. Theo tôi, nếu cách thức tổ chức thi và phần câu hỏi dành cho HS cơ hội được sáng tạo thì cuộc thi vừa có hiệu quả thiết thực, vừa khiến cho các em hào hứng tham gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.