(HNMO) - Thời gian gần đây trên nhiều trang mạng điện tử đồng loạt thông tin thí sinh Nguyễn Thị Thành bị ép không được tham dự chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 vào ngày 28-8 tới đây vì làm 8 răng sứ...
Thí sinh Nguyễn Thị Thành với hàm răng sáng bóng |
Sự việc thí sinh Nguyễn Thị Thành đến từ Bắc Ninh không được tham dự vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đang gây xôn xao dư luận.Các trang tin điện tử đưa tin thí sinh Nguyễn Thị Thành bị ép dừng cuộc thi vì lý do sức khỏe. Nhưng thực tế thí sinh này cho rằng cô không muốn nói dối công chúng và báo chí, sự thật cô bị cho dừng cuộc thi vì đã làm 8 cái răng sứ trước khi cô tham dự cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 thì bị ngã cầu thang gãy 3 cái răng và 5 răng lung lay. Theo quy chế cuộc cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đăng tải chính thức trên website chính thức của Hoa hậu Việt Nam 2016 (hoahau.tienphong.vn) quy định rõ thí sinh tham dự cuộc thi không được giải phẫu thẩm mĩ và phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Để hiểu trường hợp làm răng trắng bóng của thí sinh Nguyễn Thị Thành có phải là giải phẫu thẩm mỹ hay không, phóng viên báo Hànộimới đã liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt để tìm hiểu vấn đề về góc độ y khoa. Bác sĩ Phạm Thái Thông –Khoa Răng –Hàm –Mặt Bệnh viện Thanh Nhàn cho rằng: “Trong ngành y khoa khái niệm giải phẫu thẩm mỹ thường liên quan đến cắt gọt xương vùng mặt hoặc gọt sửa, việc làm răng sứ cũng thuộc thẩm mỹ nhưng không phải giải phẫu thẩm mỹ hay phẫu thuật. Nếu làm răng thẩm mỹ thì không thuộc về giải phẫu, phẫu thuật”.
Khái niệm thẩm mỹ có phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ như cắt gọt hàm, cắt gọt cằm, bệnh nhân răng hô nhiều quá cắt gọt để làm lùi xương, giảm hô, móm thì can thiệp thẩm mĩ phải trải qua phẫu thuật. Trường hợp bệnh nhân bị gãy răng phải trồng lại răng và bọc sứ trong y khoa không tính đây là phẫu thuật thẩm mỹ.
Về mặt chuyên môn, theo quan điểm cá nhân bác sĩ Hồng Quốc Khanh – Phó giám đốc Bệnh viện Răng – Hàm – Mặt TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Răng con người có nhiều chức năng như chức năng thẩm mĩ, chức năng ăn, nhai, giúp con người phát âm rõ ràng. Nếu thí sinh bị chấn thương gãy răng thì điều trị đó thuộc về điều trị phục hồi chức năng. Khi răng nguyên vẹn, muốn can thiệp làm đẹp thêm thì gọi là thẩm mỹ không gọi là giải phẫu thẩm mỹ”.
Trường hợp thí sinh Nguyễn Thị Thành nếu có y chứng (chứng nhận về chuyên môn) thì có thể ý kiến về vấn đề này. Theo bác sĩ Hồng Quốc Khanh, Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam nên rút kinh nghiệm tiêu chí buộc thí sinh không can thiệp thẩm mỹ chi tiết, và cụ thể hơn để tránh hiểu lầm đáng tiếc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.