(HNM) - Dư luận còn băn khoăn trước thực trạng lãng phí lớn do việc đình hoãn, giãn tiến độ các công trình, dự án trọng điểm hiện vẫn chưa có con số thống kê cụ thể.
Tuy vậy, dư luận còn băn khoăn trước thực trạng lãng phí lớn do việc đình hoãn, giãn tiến độ các công trình, dự án trọng điểm hiện vẫn chưa có con số thống kê cụ thể. Trên nhiều lĩnh vực khác như xây dựng cơ bản, tài nguyên - môi trường… cũng khó đong đếm được hiệu quả tiết kiệm, chống lãng phí.
Bằng nhiều giải pháp của Chính phủ cùng sự vào cuộc quyết liệt của các TCty, doanh nghiệp, 7 tháng đầu năm 2013, cả nước đã tiết kiệm chi tiêu được trên 16 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Bá Hoạt |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, trong năm 2013, Chính phủ đặc biệt quan tâm và quyết liệt chỉ đạo tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực. Nhờ đó, 7 tháng qua đã tiết kiệm chi tiêu được trên 16 nghìn tỷ đồng. Riêng trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2013, có 11 tập đoàn và 88 tổng công ty đã đăng ký kế hoạch tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh và tiết giảm chi phí quản lý với tổng số tiền 11.816 tỷ đồng. Sở dĩ có bước ngoặt trên là do chỉ đạo không bổ sung ngoài dự toán, kể cả nguồn tăng thu ngân sách để mua xe ô tô, phương tiện vận tải đã được thực hiện khá triệt để. Đối với những tỉnh, thành phố, đơn vị thực sự cấp thiết phải sắm phương tiện, chỉ sử dụng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2013 còn lại, sau khi đã tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 7 tháng cuối năm 2013, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ… Kết quả khảo sát cũng cho thấy, yêu cầu thanh tra việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trong những tháng đầu năm nay đã được thực hiện nghiêm túc. Qua kiểm tra, đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 1.290 tỷ đồng, yêu cầu xử lý hành chính đối với 94 tập thể, 376 cá nhân có vi phạm.
Thống kê kể trên cho thấy, việc giám sát, kiểm tra phòng chống lãng phí và chấp hành kỷ luật tài chính ở địa phương, doanh nghiệp khá nghiêm. Tuy nhiên, tham chiếu vào tình hình thực tế ở một số lĩnh vực như đất đai, quản lý sử dụng vốn… chưa thể khẳng định đã chống lãng phí tốt. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K'sor Phước cho rằng, Bộ Tài chính chỉ nêu ra số tiền tiết kiệm được nhưng lại không thống kê cụ thể số tiền gây lãng phí là bao nhiêu, đặc biệt là số tiền lãng phí tại các công trình, dự án xây dựng cơ bản bị đình hoãn, giãn tiến độ trong thời gian qua là mâu thuẫn. Trên thực tế, số tiền đó có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Đây không những là gánh nặng trước mắt cho ngân sách quốc gia mà còn là gánh nặng lâu dài, khi ngân sách sẽ tiếp tục phải chi để quản lý, duy tu và bảo dưỡng.
Liên quan đến tình trạng lãng phí trong quản lý và sử dụng đất, ông K'sor Phước cũng nêu lên thực tế, có những tỉnh điều kiện kinh tế - xã hội còn thấp, đời sống người dân rất khó khăn thì lại xây những trụ sở làm việc nguy nga, lộng lẫy như cung điện, lâu đài. Mặt khác, tình trạng đầu tư xây dựng quảng trường, trung tâm hội nghị, nhà văn hóa vượt quá nhu cầu cần thiết, tần suất sử dụng thấp, kinh phí bảo dưỡng, duy trì lớn trong khi ngân sách nhà nước đang rất khó khăn, chưa phù hợp với thực tiễn cũng không ít. Vậy mà Bộ Tài nguyên - Môi trường chưa phối hợp với Bộ Tài chính đưa ra những quy chuẩn, cơ chế kiểm soát rõ ràng về vấn đề này để người dân giám sát và tránh việc mỗi tỉnh làm một phách.
Cùng với đó là nạn phá rừng, khai thác bừa bãi tài nguyên cũng chưa được đánh giá đầy đủ. Ngay cả con số tiết kiệm của khối doanh nghiệp cũng mới chỉ là chỉ tiêu, trên thực tế mới có 21 đơn vị báo cáo kết quả; 78 đơn vị đến ngày 5-9 vẫn chưa hoàn thành thông tin dữ liệu, trong đó có cả ba "ông lớn" là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Trong bối cảnh chưa có thông tin đầy đủ như vậy, cũng chưa thể có đánh giá toàn diện về mức độ hoàn thành nhiệm vụ tiết kiệm, phòng chống lãng phí của nhiều cơ quan, đơn vị.
Để thực hành tiết kiệm, Chính phủ, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường tiết kiệm chi, nhất là chi hội nghị, chi tiếp khách, chi đi nước ngoài. Điều quan trọng là phải có chế tài giám sát để nắm sát tình hình thực tế và đề ra cơ chế xử lý sai phạm… Dư luận mong muốn Chính phủ sẽ chỉ đạo tăng cường kiểm toán lĩnh vực này, công bố công khai đối với những cơ quan, tổ chức chưa thực hiện đúng yêu cầu được giao. Đồng thời, có hình thức kiểm điểm, kỷ luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức thiếu trách nhiệm trong việc triển khai, tổ chức thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Ngoài ra, cũng cần bổ sung trách nhiệm và chế tài xử lý đối với người có thẩm quyền không xử lý các hành vi vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Chỉ khi bổ sung chế tài giám sát song song với thống kê đầy đủ những lãng phí mới có cơ sở khoa học để bảo đảm tính khả thi cũng như tính nghiêm minh của pháp luật và tính đúng, tính đủ số tiền tiết kiệm ước đạt được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.