(HNM) - Năm 2016 đánh dấu 10 năm (2006-2016), phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp (DN), cơ quan, đơn vị.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long.Ảnh: Bảo Kha |
Từ ý nghĩa ban đầu là khích lệ, đến nay phong trào trở thành động lực thúc đẩy cán bộ, công nhân viên chức, người lao động (CNVCNLĐ) thi đua nâng cao “Năng suất, chất lượng, hiệu quả, cải thiện đời sống, điều kiện làm việc cho NLĐ”. Những sáng kiến, sáng tạo của CNVCNLĐ đã trở thành chìa khóa giúp DN phát triển, đóng góp cho sự đi lên của Thủ đô và đất nước.
“Cứu sống” doanh nghiệp
Kỹ sư Hoàng Văn Tại, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển đã khẳng định như vậy khi nói về hiệu quả của phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”. Thành lập từ những năm 60 của thế kỷ trước, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, muốn tránh giải thể, công ty chỉ còn cách thay đổi công nghệ. “Sáng kiến “cải tiến lò cao” ra đời sau những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ kỹ sư đã làm giảm được định mức tiêu hao điện, than đến 67%; giảm tiêu hao nguyên liệu 20%; năng suất từ 2 vạn tấn tăng lên 30 vạn tấn/năm, mang lại lợi nhuận 150 tỷ đồng.
Năm 2016, có 17.208 cá nhân được tặng danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo” cấp cơ sở (tăng 107% so với năm 2015); 1.260 cá nhân được tặng danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo” cấp trên cơ sở (tăng 108%); 110 CNVCNLĐ được cấp Bằng “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, trong đó có 94 sáng kiến, sáng tạo thuộc lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, làm lợi cho đơn vị hơn 297 tỷ đồng. |
Chúng tôi đã thực sự được cứu” - kỹ sư Hoàng Văn Tại nói. Nối tiếp thành công này, công ty tiếp tục phát động phong trào sáng kiến, sáng tạo để từng bước nội địa hóa toàn bộ thiết bị, chủ động hoàn toàn về công nghệ. Và sáng kiến mới nhất “Cải tiến công nghệ và thiết bị sử dụng trấu ép thay cho than an-tra-xít trong sấy lân tại phân xưởng sấy nghiền” của kỹ sư Hoàng Văn Tại và đồng nghiệp tiếp tục tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm khí thải, có giá trị làm lợi hơn 5,9 tỷ đồng/năm. Sau những cố gắng miệt mài, tài sản đáng quý của công ty hiện giờ là hơn 60 loại phân bón chuyên dụng đa yếu tố NPK chất lượng cao, với nhiều mặt hàng đạt “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2014”.
Còn ở Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long, từ nhiều năm nay, phong trào cải tiến công nghệ, quy trình, thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đã trở thành tâm điểm của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm 2015, khi tiếp nhận 5.155 đề án, công ty phát hiện ra những điểm không hợp lý, thiếu hiệu quả trong quá trình sản xuất. Dựa trên những đề án này, NLĐ đã đăng ký đề tài, tập trung giải quyết những điểm không hợp lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, giúp công ty thu lợi nhiều tỷ đồng.
Không chỉ hai DN trên, nhiều DN Thủ đô đã thành công nhờ cải tiến công nghệ, quy trình, thiết bị. 125.358 sáng kiến cấp cơ sở; 10.052 sáng kiến cấp trên cơ sở; 959 cá nhân được UBND thành phố tặng Bằng công nhận “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” (trong đó có 650 sáng kiến làm lợi 1.390 tỷ đồng) là minh chứng sống động hiệu quả mà phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” mang lại.
Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào
Hiệu quả đã rõ, nhưng làm thế nào để phát huy, nhân rộng phong trào tại từng cơ sở, giúp DN tồn tại, phát triển trong tình hình khó khăn hiện nay? Thực tế cho thấy, lúc đầu phong trào chủ yếu tập trung ở khối DN nhà nước (công thương, giáo dục, y tế), đến nay đã lan tỏa ra tất cả các loại hình DN. Đặc biệt, các DN ngoài nhà nước, FDI hưởng ứng rất tích cực và có cách làm khá hiệu quả. Theo sát phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Liên đoàn Lao động TP Hà Nội) Kiều Hùng cho rằng, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp, ngành, nhất là chủ DN thì rất cần có phương pháp phát hiện, ghi nhận phù hợp. Đi đôi với đó, các cấp, ngành, đơn vị cần có hình thức khen thưởng kịp thời. Nhiều công nhân giỏi, có sáng kiến giá trị, nhưng không có cơ hội trình bày, vì thế bỏ mất cơ hội để áp dụng và nhân rộng. Công tác tiếp nhận, đánh giá sáng kiến cũng cần thiết thực, ngắn gọn hơn.
Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, qua 10 năm, phong trào đã chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, được các đơn vị, DN và đông đảo CNVCNLĐ hưởng ứng, góp phần quan trọng giải quyết khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, kiềm chế lạm phát, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng, những khó khăn thách thức đang đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các cấp, ngành, DN và đội ngũ CNVCNLĐ. Việc đẩy mạnh, tiếp tục nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước nói chung, phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” nói riêng sẽ tạo ra động lực và sức mạnh, góp phần hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất - kinh doanh của DN, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.