(HNMO) - Tại cuộc họp báo của Bộ Tư pháp diễn ra chiều 19- 4, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, bắt đầu từ ngày 17-4, Bộ Tư pháp đã triển khai thí điểm cấp bản điện tử giấy khai sinh, trích lục khai tử trên địa bàn Hà Nội và tỉnh Hà Nam.
Trong ngày đầu tiên vận hành thí điểm, đã có 101 trẻ em được cấp bản điện tử giấy khai sinh; 17 trường hợp được cấp trích lục khai tử trên địa bàn 2 tỉnh, thành phố.
Về quy trình, việc cấp giấy khai sinh điện tử trước tiên áp dụng cho trường hợp đăng ký khai sinh mới. Khi người dân đi đăng ký khai sinh, khai tử có yêu cầu, cán bộ tư pháp sẽ cấp bản điện tử đi kèm với bản giấy. Bản điện tử sẽ được gửi về địa chỉ email hoặc phương tiện khác do người dân đăng ký.
Bản giấy khai sinh điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Đơn cử, khi bố mẹ đưa con đi du lịch bằng phương tiện là máy bay, không cần xuất trình giấy khai sinh bản giấy của con, chỉ cần cung cấp bản điện tử có QR Code cho cán bộ có thẩm quyền để quét thông tin khai sinh.
Bản điện tử có giá trị pháp lý như bản giấy.
Việc thí điểm diễn ra tại các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn Hà Nội và tỉnh Hà Nam từ ngày 17-4 đến hết ngày 20-5. Bộ Tư pháp đề nghị UBND thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam giao Sở Tư pháp làm đầu mối triển khai thí điểm tại địa phương, bám sát tình hình và thường xuyên có báo cáo kết quả. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn thực hiện theo đúng hướng dẫn về quy trình. Hà Nội và Hà Nam phải tổng hợp, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thí điểm báo cáo về Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp để phối hợp tháo gỡ, xử lý.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hoàn, công tác cải cách hành chính tiếp tục được Bộ Tư pháp quan tâm triển khai toàn diện, bàn bản. Bộ đã kết nối thành công 8 dịch vụ công thuộc lĩnh vực hộ tịch và đăng ký biện pháp bảo đảm lên Cổng dịch vụ công quốc gia, nâng tổng số dịch vụ công của Bộ kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia lên 58 dịch vụ công. Đặc biệt, theo kết quả công bố xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương PAR INDEX 2022 được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại phiên họp vào sáng nay (19-4), Bộ Tư pháp được xếp vào nhóm một trong hai cơ quan có điểm số trên 90 điểm.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác thẩm định tiếp tục được Bộ Tư pháp tổ chức chặt chẽ, đúng quy định. Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 7 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 22 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có một số dự án, dự thảo quan trọng, liên quan chặt chẽ đến đời sống nhân dân, như: Dự án Luật Căn cước công dân; dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.