Mới đây, ngày 31-5-2019 tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị triển khai thí điểm bảo hiểm trâu, bò thịt, giống tại Đắk Lắk.
đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội nghị triển khai thí điểm bảo hiểm trâu, bò thịt, giống tại Đắk Lắk.
Tham dự hội nghị có đại diện các đơn vị: Sở Tài chính, Chi cục Chăn nuôi và thú y thuộc Sở NN và PTNT tỉnh; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh cùng các đơn vị Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và đại diện một số ngành, đơn vị liên quan.
Ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Theo đó, mục tiêu của chương trình là bảo hiểm cho 100% khách hàng có quan hệ tín dụng với Agribank và các khách hàng khác có nhu cầu tham gia bảo hiểm. Đối tượng bảo hiểm, bao gồm: Bò thịt, trâu thịt, bò giống, trâu giống. Vật nuôi nằm trong độ tuổi: Trâu, bò thịt từ 1 đến 4 tuổi, trâu, bò giống từ 1 đến 8 tuổi. Phạm vi bảo hiểm: Người được bảo hiểm sẽ được bồi thường trong trường hợp vật nuôi chết trực tiếp do các nguyên nhân: Thảm họa tự nhiên (sét đánh, bão, lũ lụt, thời tiết lạnh, sương giá); dịch bệnh (Bệnh lở mồm, long móng, tụ huyết trùng)…
Điều kiện bảo hiểm: Vật nuôi phải được nuôi theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy trình nông nghiệp do Bộ NN và PTNT/hoặc cơ quan có thẩm quyền ở địa phương quy định. Vật nuôi được nuôi tại vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, phải có sức khỏe tốt và không bị ốm đau, bệnh tật, thương tật thân thể hoặc dị tật nào và cần phải có giấy chứng nhận tiêm phòng vắc xin cho các bệnh được bảo hiểm trước thời điểm bắt đầu bảo hiểm. Vật nuôi phải có thẻ đeo tai (dùng để nhận dạng vật nuôi) trước thời điểm bắt đầu bảo hiểm. Ưu tiên vật nuôi được thế chấp để vay vốn tại Agribank.
Số tiền bảo hiểm: Trên cơ sở kiểm tra đối tượng được bảo hiểm, căn cứ giấy yêu cầu bảo hiểm của người được bảo hiểm và các giấy tờ có liên quan, doanh nghiệp bảo hiểm và người được bảo hiểm thống nhất về số tiền bảo hiểm. Người tham gia bảo hiểm được hỗ trợ một phần phí bảo hiểm từ ngân sách theo quy định tại Điều 18, Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ, tối đa là 20% đối với hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo.
Việc thí điểm đưa sản phẩm bảo hiểm bò thịt, trâu thịt, bò giống, trâu giống tại Đắk Lắk là nhằm góp phần khắc phục rủi ro, tổn thất do thiên tai, dịch bệnh trong chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn, giúp người chăn nuôi sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống. Người chăn nuôi có một điểm tựa để yên tâm mở rộng sản xuất, phát triển mở rộng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lớn, góp phần giúp nông nghiệp, nông thôn phát triển, giúp nông dân giảm thiểu rủi ro. Khi tham gia bảo hiểm các rủi ro về tài chính sẽ được chuyển giao lại cho ABIC, các rủi ro này cũng được san sẻ ra thị trường quốc tế thông qua Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam và Công ty Tái bảo hiểm quốc tế.
Được biết, từ năm 2008, ABIC mà trực tiếp là ABIC Đắk Lắk đã triển khai sản phẩm bảo hiểm bảo an tín dụng (BATD) cho khách hàng vay là hộ sản xuất và cá nhân trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khả quan và mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân vay vốn và an toàn tín dụng ngân hàng. Theo ông Đặng Văn Liễu, Giám đốc ABIC Đắk Lắk, đến 31-5-2019 đã có gần 37.000 hộ/53.000 hộ, đạt tỷ lệ gần 70% số hộ vay vốn tham gia bảo hiểm BATD. Dư nợ cho vay có tham gia bảo hiểm là trên 2.700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40% dư nợ vay thuộc phạm vi bảo hiểm (số tiền bảo hiểm tối đa đến 200 triệu đồng). Về phía Agribank, ông Phan Thông Thái, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk, cho biết, Agribank đang nghiên cứu bổ sung vào quy trình cấp tín dụng cho vay hộ sản xuất và cá nhân chấp thuận đơn bảo hiểm vật nuôi của ABIC là một trong những điều kiện đảm bảo vay vốn.
Kết luận hội nghị, ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các đơn vị, sau hội nghị này bắt tay vào triển khai ngay. Trong đó, ABIC Đắk Lắk là đơn vị đầu mối trong việc phối kết hợp với các đơn vị, các ngành: Sở Tài chính, Chi cục Chăn nuôi, Chi cục Thú y thuộc Sở NN và PTNT tỉnh; các đơn vị Agribank trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và các ngành, đơn vị liên quan khác để cùng triển khai sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp có nhiều ưu điểm này. Với số lượng đàn trâu, bò của Đắk Lắk lên tới 235.000 con, đứng thứ 7 toàn quốc; với năng lực và kinh nghiệm của ABIC trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm khu vực nông nghiệp – nông thôn – nông dân và với lợi thế thương mại từ hệ thống mạng lưới rộng khắp trên địa bàn nông thôn của Agribank, chắc chắn chương trình thí điểm sản phẩm bảo hiểm bò thịt, trâu thịt, bò giống, trâu giống tại Đắk Lắk sẽ thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.