(HNM) - Năm 2011 được Bộ GTVT xác định là năm chất lượng công trình của toàn ngành. Đây là nhiệm vụ quan trọng để phát triển hệ thống giao thông bảo đảm chất lượng phục vụ phát triển KT-XH. Tại hội nghị chuyên đề về vấn đề này mới được tổ chức, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp (DN) đã cùng mổ xẻ, rút kinh nghiệm những hạn chế. Tuy nhiên, câu chuyện đáng quan tâm nhất là trách nhiệm của từng chủ thể tham gia thực hiện dự án.
Những công trình vừa làm đã hỏng
Nhiều công trình xây dựng giao thông chất lượng không bảo đảm.
Theo Bộ GTVT, những năm qua, nguồn lực đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông luôn được quan tâm, tăng cao. Mỗi năm, ngành đưa vào khai thác hàng nghìn kilômét đường bộ, hàng trăm chiếc cầu… đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH thời kỳ đổi mới. Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Trần Quốc Việt cho biết, nhìn chung chất lượng công trình đáp ứng được yêu cầu, nhưng cũng không ít dự án vừa đưa vào sử dụng đã xuất hiện hư hỏng tại một số hạng mục hoặc bộ phận công trình, thậm chí, có công trình khi đang xây dựng đã xảy ra hư hỏng, sự cố. Ông Việt dẫn chứng một số công trình "tiêu biểu" như: quốc lộ 91 (Cần Thơ), quốc lộ 53 (Vĩnh Long), quốc lộ 48 (Nghệ An), một số đoạn trên quốc lộ 1A, quốc lộ 27B, thảm mặt cầu Thăng Long, tuyến tránh Phú Yên… Những hư hỏng chủ yếu là lún sụt nền đường; sạt lở ta luy nền đường; lún sụt đường hai đầu cầu; mặt đường bị rạn nứt, bong bật; mố cầu bị chuyển vị… Các công trình giao thông có vấn đề về chất lượng đã gây bức xúc dư luận; không chỉ làm giảm uy tín của ngành mà còn gây ra những tác động tiêu cực với xã hội, ảnh hưởng đến phát triển giao thương, đặc biệt là tại những thành phố lớn. Chẳng nói đâu xa, ngay tại Thủ đô Hà Nội, người dân vẫn hằng ngày phải sống chung với những vỉa hè thường xuyên lún sụt, vỡ gạch, hay vấn nạn đào đường thi công nhưng không hoàn trả bảo đảm chất lượng ban đầu…
Khâu nào cũng có vấn đề
Chất lượng công trình kém có nguyên nhân chủ quan, khách quan. Nhưng, theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, riêng phần chủ quan đã xuất hiện hàng loạt vấn đề từ chủ đầu tư, đến tư vấn, thiết kế, giám sát, thi công... Theo Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ, chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý, giám sát chất lượng thi công công trình. Tuy nhiên, hiện nay, các ban quản lý dự án không tổ chức đội ngũ giám sát, quản lý chất lượng, thay vào đó là thuê tổ chức giám sát. Đáng chú ý, những ban quản lý dự án mà năng lực hạn chế khi được giao dự án lớn, yêu cầu kỹ thuật cao đã giao phó toàn bộ công tác quản lý chất lượng cho tư vấn, giám sát mà không có quy định rõ ràng trách nhiệm.
Ở khâu tư vấn, từ thiết kế đến thẩm tra, giám sát, kiểm định… còn bộc lộ nhiều hạn chế hơn. Ông Trần Quốc Việt cho biết, hiện chỉ có một vài DN tư vấn thiết kế giàu truyền thống, kinh nghiệm, còn lại là DN nhỏ lẻ, mới hình thành, năng lực yếu. Chính vì vậy, ngay từ khi lập dự án đã có thiếu sót, liên tục phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thi công. Không thể nói những sự cố như lún nứt, sụt trượt… chỉ do sai sót của đơn vị thi công mà không nhắc tới yếu kém của đơn vị thiết kế. Thiết kế đã vậy, tư vấn giám sát, một khâu quan trọng trong hoạt động quản lý chất lượng còn đáng lo ngại hơn. Tư vấn giám sát làm đúng chức trách thì chất lượng tốt và ngược lại. Trên thực tế, lực lượng tư vấn giám sát chuyên ngành dù đông, nhưng thiếu chuyên gia giỏi. Các tổ chức tư vấn thiết kế có chức năng làm tư vấn giám sát nhưng ít tham gia công tác này. Lực lượng tư vấn giám sát hiện nay trông vào cán bộ của các viện, trường, cục chuyên ngành… và làm việc theo hợp đồng thời vụ.
Chủ đầu tư "giao khoán" cho tư vấn, giám sát trong khi lực lượng này còn nhiều hạn chế, nên việc nhà thầu vi phạm, không tuân thủ quy trình là điều… khó tránh. Tại những dự án bị hư hỏng, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông phát hiện nhà thầu không tuân thủ quy trình thi công. Cụ thể, tại cầu Tam Trinh (dự án cầu Thanh Trì), Km79 tuyến Nam sông Hậu… khi thi công có hiện tượng lún đẩy mố cầu là do nhà thầu đã làm trái quy trình thi công (làm mố trước khi đắp nền đường đầu cầu trong khi phải làm ngược lại). Tương tự như vậy, xảy ra hiện tượng lún sụt nền đường là do không tuân thủ đúng trình tự đắp nền. Đặc biệt, tình trạng mặt đường hỏng hoặc không bảo đảm độ bằng phẳng xảy ra do nhà thầu không sử dụng đúng vật liệu và không tuân thủ chỉ dẫn kỹ thuật. Đáng chú ý, có nhà thầu còn sử dụng máy san để thi công lớp móng trên thay vì phải sử dụng máy rải…
Để nâng cao chất lượng công trình giao thông, rõ ràng có nhiều việc phải chấn chỉnh, đặc biệt là nâng cao năng lực của từng cơ quan, đơn vị. Trong những giải pháp đưa ra để khắc phục tình trạng nêu trên, cần nhấn mạnh tới việc hoàn thiện khung chính sách, tăng cường thể chế quản lý theo hướng minh bạch, thống nhất, chịu trách nhiệm. Theo đó, Bộ GTVT ban hành quy định về trách nhiệm quản lý, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng chủ thể tham gia dự án. Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình, Chính phủ cũng cần xem xét, điều chỉnh, bổ sung một số nghị định để phù hợp với xu thế phân cấp quản lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.