Ngành cơ khí Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực, có thể đảm nhiệm cả các hạng mục đòi hỏi kỹ thuật cao vốn là đặc quyền của các nhà thầu nước ngoài.
Tuy nhiên cần thêm trợ lực từ cơ chế, nguồn vốn, công nghệ… để ngành cơ khí phát triển.
Theo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 3.100 doanh nghiệp cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Hiện nay, ngành cơ khí có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng, dụng cụ và ô tô, phụ tùng ô tô. Doanh thu toàn ngành ước đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động. Các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước chiếm khoảng 7% thị trường.
Theo Tiến sĩ Phan Đăng Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương), thời gian qua ngành cơ khí Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về lượng và chất, từng bước làm chủ công nghệ, mở rộng đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm và tỷ lệ nội địa hóa.
Thực tế, từ trước đến nay, các dây chuyền lắp ráp ô tô, xe máy hầu hết do doanh nghiệp nước ngoài đảm nhận. Từ năm 2012, thông qua đào tạo nhân lực, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu cơ khí đã tự chủ việc thiết kế, chế tạo các dây chuyền lắp ráp ô tô. Đặc biệt, mới đây là thành công trong việc ứng dụng dây chuyền để sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh VinFast. Các dây chuyền này đã đưa vào vận hành, góp phần cho ra đời một số dòng xe như VF7, VF8, VF3...
“Thành công này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được những công việc khó mà từ trước tới nay là đặc quyền của các nhà thầu nước ngoài", Tiến sĩ Phan Đăng Phong nhấn mạnh.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) linh kiện kim loại sản xuất trong nước hiện đã đáp ứng được 85-90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15-40% nhu cầu sản xuất ô tô; khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; khoảng 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Đức Cường nhìn nhận, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tại khu vực Hà Nội đa phần phát triển ngành phụ trợ, cung cấp phụ tùng cho ngành điện tử, máy in của các hãng như Canon, Samsung, LG… Làm việc với các tập đoàn lớn, doanh nghiệp cơ khí được chuyển giao công nghệ mới, đồng thời học hỏi nhiều hơn về quy trình quản lý, phát triển sản phẩm...
Theo các chuyên gia, ngành cơ khí đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Các hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp doanh nghiệp cơ khí có ưu thế hơn khi xuất khẩu, mở rộng thị trường đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam có triển vọng trở thành trung tâm công nghiệp cơ khí hàng đầu Đông Nam Á với sự góp mặt của nhiều thương hiệu điện tử và công nghệ lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu của thị trường này.
Dù vậy, việc đáp ứng thị trường cơ khí trong nước và xuất khẩu của doanh nghiệp ngành cơ khí Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết bị toàn bộ (các nhà máy về nhiệt điện, thủy điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, xi măng hoặc sản xuất nguyên liệu…), ngành cơ khí trong nước mới đáp ứng chưa đến 30% giá trị nhu cầu thiết bị. Cùng với đó, sản phẩm còn thiếu sức cạnh tranh do giá thành cao, sản phẩm mang thương hiệu Việt chưa nhiều. Nguyên nhân là bởi những hạn chế về nguồn cung ứng vật liệu sản xuất, ngành công nghiệp hỗ trợ cho lĩnh vực cơ khí chưa phát triển, trình độ công nghệ của đa số doanh nghiệp chưa cao, khả năng nghiên cứu và phát triển sản phẩm còn hạn chế do thiếu nhân lực chất lượng cao…
Mặt khác, đa số các doanh nghiệp hiện tại vẫn phải dựa trên vay vốn ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính để đầu tư và phải qua 5 đến 7 năm mới có thể thu hồi vốn. Do đó, việc được tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho vay không lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.
Để ngành cơ khi phát triển, các chuyên gia cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó cần phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm giảm sự phụ thuộc từ linh kiện và nguyên liệu nước ngoài; ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành về đào tạo nhân lực, thuế, vốn, đầu tư công nghệ...
Về phía doanh nghiệp, Tiến sĩ Phan Đăng Phong cho rằng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng cơ chế, chính sách của các thị trường; tham gia các chương trình xúc tiến thương mại được Bộ Công Thương tổ chức hằng năm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, tiềm năng, thế mạnh đến các khách hàng. Doanh nghiệp nên tìm hiểu thông tin của một số doanh nghiệp đã thành công ở các thị trường, trước khi vào thị trường mới, từ đó hạn chế tối đa rủi ro.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.