(HNM) - Đúng với kết quả của nhiều cuộc thăm dò dư luận, ngày 9-4, đảng Liên đoàn Công dân Hungary (FIDESZ) cầm quyền đã tuyên bố giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử Quốc hội then chốt ở nước này, mở đường cho Thủ tướng Viktor Orban đảm nhận nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. |
Theo Văn phòng Bầu cử quốc gia, với 93,3% số phiếu được kiểm, đảng FIDESZ giành được 48,94% phiếu bầu, bỏ xa đảng đứng thứ hai là Jobbik (chỉ giành được 19,78% số phiếu). Tạm đứng ở vị trí thứ ba là đảng Xã hội với 12,35% phiếu bầu và đảng LMP ủng hộ các chính sách bảo vệ môi trường nhận được 6,89% phiếu. Tỷ lệ cử tri tham gia sự kiện chính trị này là 68,80%, tăng hơn 7% so với cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2014. Ngoài ra, FIDESZ còn được dự đoán sẽ giành 2/3 số ghế được cho là “siêu đa số” trong Quốc hội, cho phép đảng này có thể thay đổi Hiến pháp và thông qua các đạo luật một cách dễ dàng.
Chiến thắng của Thủ tướng V.Orban một lần nữa cho thấy, xu hướng dân tộc chủ nghĩa, hoài nghi Châu Âu đang tỏ ra lấn lướt tại châu lục sau những gì diễn ra tại cuộc bầu cử Quốc hội tại Italia, Áo, Séc,... thời gian qua. Với tư tưởng “Hungary trên hết” và đường lối cứng rắn chống người nhập cư trái phép, Thủ tướng V.Orban dường như đã thuyết phục được phần lớn cử tri đang mang nỗi sợ mất an ninh và khủng bố do người nhập cư. Trong nhiệm kỳ vừa qua, một loạt các biện pháp đã được Thủ tướng V.Orban thực hiện, trong đó có việc xây dựng hai lớp rào kiên cố trên biên giới phía Nam để ngăn người nhập cư trái phép, thắt chặt luật trừng phạt người nhập cư sai quy định, hay từ chối tiếp nhận người tị nạn theo cơ chế hạn ngạch của EU. Dù bị các nhà lãnh đạo Châu Âu chỉ trích, nhưng không thể phủ nhận một thực tế là các biện pháp trên đã giúp Hungary có phần an toàn hơn so với nhiều nước tại châu lục trong suốt hơn hai năm qua, khi cuộc khủng hoảng người nhập cư lên đến đỉnh điểm.
Tuy nhiên, có một số ý kiến lo ngại chiến thắng của Thủ tướng V.Orban có thể sẽ đẩy làn sóng chống người nhập cư lên cao tại một số quốc gia, đồng thời khiến cuộc tranh cãi trong nội bộ EU bấy lâu nay về hạn ngạch phân bổ người nhập cư trở nên gay gắt hơn. Cụ thể là, sự tại vị của Thủ tướng V.Orban sẽ tăng thêm sức mạnh cho liên minh các nước Trung Âu, hay còn gọi là bộ tứ Visegrad, trong “cuộc chiến” chống lại chính sách nhập cư của EU. Ngoài 4 nước trong nhóm này gồm Séc, Ba Lan, Slovakia và Hungary, Áo cũng là nước phản đối người nhập cư trái phép. Chính sách chống người tị nạn được cho là đã mang lại thắng lợi cho đảng Nhân dân Áo trong cuộc tổng tuyển cử sớm cuối năm ngoái.
Các nhà phân tích cũng cho rằng, xu hướng dân túy gia tăng sẽ làm suy yếu sự tập trung của Pháp và Đức vào kế hoạch ổn định Cựu lục địa sau cú sốc Anh rời khỏi EU và tác động tới Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Dù hiện tại, Hungary vẫn chưa phải là thành viên của Eurozone nên khó có khả năng các chính sách của Thủ tướng V.Orban sẽ gây ảnh hưởng ngay lập tức. Nhưng về lâu dài, khi những tranh cãi được nhân rộng, giá trị đồng euro rất có khả năng sẽ bị ảnh hưởng.
Vì vậy, sự lựa chọn của cử tri Hungary đã phản ánh những mong muốn của người dân nước này nhưng cũng đang tạo ra thử thách đối với EU trong việc tìm kiếm sự đồng thuận nhằm thực hiện thành công kế hoạch hội nhập, thống nhất khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.