(HNM) - Sau kỳ tuyển sinh năm 2012, một số trường cho rằng họ khó lòng tồn tại được đến năm 2015 để được tự chủ tuyển sinh theo lộ trình Bộ GD-ĐT đề ra...
Cẩn trọng xác định chỉ tiêu
Năm 2012 là năm đầu tiên các trường được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ GD-ĐT chỉ làm nhiệm vụ ra thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, làm căn cứ cho công tác thanh tra, kiểm tra. Bộ cũng báo trước, nếu các trường xác định sai chỉ tiêu sẽ bị xử phạt, đồng thời bị dừng tuyển sinh tùy mức độ vi phạm. Điều này rõ ràng khiến các trường cẩn trọng hơn trong việc xác định chỉ tiêu. Tuy nhiên, kết thúc năm 2012, Bộ GD-ĐT vẫn phải xử lý hàng loạt trường "dính" sai phạm. Trong số đó, có 5 trường tự xác định chỉ tiêu khi không còn năng lực tuyển sinh: ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh, ĐH Cửu Long, ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, CĐ Kỹ thuật Công nghiệp Quảng Ngãi. Có 16 trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh vượt quá năng lực thực tế.
Các thí sinh sẽ có thêm quyền lựa chọn các ngành học phù hợp với khả năng.Ảnh: Huyền Linh |
Một trong những điểm mới trong việc xử lý các trường vi phạm tuyển sinh năm nay, theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận là không chỉ xử lý tập thể mà còn quy trách nhiệm người đứng đầu. Bên cạnh hình thức xử phạt hành chính, Bộ đã kỷ luật khiển trách, cảnh cáo cũng như kiến nghị xem xét kỷ luật đối với hàng loạt hiệu trưởng. Bộ GD-ĐT cũng giao Vụ Kế hoạch - Tài chính có văn bản cảnh cáo các trường ngoài công lập có vi phạm tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh và gửi UBND các tỉnh, thành phố liên quan theo dõi, hủy bỏ việc công nhận hiệu trưởng nếu tái phạm trong năm 2013.
Trong năm 2013, có 17 trường sẽ bị cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh vì đã tuyển vượt trong năm 2012. Năm đơn vị chỉ được giao chỉ tiêu ở mức tối thiểu do nhiều năm liền đã tuyển vượt chỉ tiêu, có trường bị trừ đến số âm số lượng được tuyển.
Những quy định mới
Mặc dù khẳng định năm 2013, về cơ bản kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn theo phương thức "3 chung" (chung đợt, chung đề, chung kết quả xét tuyển) song Bộ GD-ĐT cũng hé lộ nhiều quy định mới nhiều khả năng sẽ được áp dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và tăng sự chủ động cho các trường. Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, cho biết: Dự kiến, kỳ tuyển sinh năm nay sẽ có một số điều chỉnh trong xét tuyển, như quy định thời gian xét tuyển mỗi đợt ít nhất 20 ngày, thời hạn kết thúc sẽ rút ngắn lại.
Việc Bộ chính thức phê duyệt đề án thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vào các trường khối văn hóa, nghệ thuật mới đây cũng nhận được sự quan tâm của dư luận. Theo đó, năm nay, Bộ cho phép 10 trường thuộc khối ngành này được thí điểm tuyển sinh riêng. Thí sinh thi các ngành khối nghệ thuật (khối H, N, S) sẽ không phải thi môn ngữ văn. Môn năng khiếu do hiệu trưởng các trường quyết định. Tuy nhiên, theo ông Ngô Kim Khôi, việc miễn thi không có nghĩa là hạ thấp yêu cầu đối với môn học này. Các trường cần đặt ra yêu cầu trong khi xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết các năm học THPT. Các yêu cầu này cần phải được công bố trước khi tuyển sinh.
Với hình thức đào tạo liên thông, quy định nhằm siết chặt quản lý chất lượng đào tạo ở Thông tư 55 mới đây được cho là khiến người học gặp khó khăn hơn trong "con đường vòng" lên ĐH. Tuy nhiên, theo ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Thông tư 55 cũng có những quy định rất mở: Không quy định cùng ngành nghề đào tạo mới được học liên thông. Với người học ra trường trên 36 tháng, các môn thi tuyển sinh do các trường lựa chọn. Không quy định học sinh đạt học lực khá, giỏi mới được thi, người học cũng không phải xác nhận thâm niên công tác. Họ cũng có quyền lựa chọn thi ngay sau khi tốt nghiệp hay sau 36 tháng mới dự thi.
Đặc biệt, Bộ GD-ĐT khẳng định, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc chấm thi. Năm 2012 cũng là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT cho chấm lại 17.000 bài thi tốt nghiệp THPT và có văn bản phân tích kết quả, nhận xét công tác tổ chức thi, gửi các tỉnh, thành phố. Năm 2013, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, sẽ tiếp tục làm việc này và công khai cho xã hội biết. Với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, dự kiến quy định về chấm thanh tra bài thi tự luận sẽ được bổ sung. Theo đó, trước khi công bố điểm, Bộ sẽ chấm 10% bài thi tự luận ở một số hội đồng tuyển sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.