Trung úy Nguyễn Hoàng Anh (SN 1981, quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), chiến sĩ vụ trực thăng rơi tại Hòa Lạc hôm 7/7, đã tử vong sáng 2/9, sau gần 2 tháng được các y bác sĩ nỗ lực cứu chữa tối đa.
Tin từ Viện Bỏng quốc gia ngày 2-9 cho biết Trung úy Nguyễn Hoàng Anh (sinh năm 1981, quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đã hy sinh lúc 8 giờ sáng cùng ngày do sốc bỏng, sốc chấn thương và tình trạng suy thận quá nặng.
Trung úy Nguyễn Hoàng Anh là 1 trong 2 chiến sĩ đặc công trong vụ trực thăng rơi ngày 7-7 tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) bị thương nặng và được đưa về Viện Bỏng quốc gia điều trị. Trung úy Hoàng Anh là chiến đấu viên của Tiểu đoàn 18 Đặc công thuộc Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội.
Trung úy Hoàng Anh hy sinh đã nâng số chiến sĩ hy sinh trong vụ tai nạn trực thăng rơi ngày 7-7 lên con số 20.
Một chiến sĩ đang được điều trị tích cực tại Viện Bỏng quốc gia |
Trước đó Trung úy Nguyễn Hoàng Anh nhập viện với chẩn đoán đa chấn thương, bỏng lửa 52% ở mặt, chân, chi, bỏng hô hấp; gãy 1/3 dưới xương cẳng chân, vỡ xương sọ. Trong quá trình điều trị sức khỏe của Trung úy Hoàng Anh có nhiều lần diễn biến xấu, đe dọa tử vong do tổn thương bỏng quá rộng. Các bác sĩ đã buộc phải cắt 1 chân hoại tử của Trung úy Hoàng Anh để tránh tổn thương lan rộng, đồng thời dành những loại thuốc kháng sinh tốt nhất và các trang thiết bị máy móc hiện đại nhất với sự hỗ trợ của các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức để cứu chữa cho bệnh nhân.
Tuy nhiên do tổn thương bỏng quá nặng, sau gần 2 tháng chống chọi với những đau đớn của vết bỏng, cộng thêm tình trạng suy thận rất nặng nên Trung úy Hoàng Anh đã không qua khỏi.
Hiện chỉ còn duy nhất 1 chiến sĩ trong vụ trực thăng rơi còn sống là Trung úy Đinh Văn Dương (sinh năm 1983, quê ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) với chẩn đoán đa chấn thương, bỏng hô hấp và đang tiếp tục được điều trị. Trung úy Dương đã bị cắt cả 2 chân hoại tử.
Theo thông tin từ Viện Bỏng quốc gia, Trung úy Dương hơn 2 tuần trước đó đã cai máy thở và không phải lọc máu. Tuy nhiên, 2 ngày qua diễn biến sức khỏe của Trung úy Dương lại xấu hơn nên đã phải lọc máu trở lại. Hiện đội ngũ các y bác sĩ đang nỗ lực tối đa để cứu chữa cho chiến sĩ cuối cùng trong vụ trực thăng rơi.
Như đã thông tin, vào khoảng 7 giờ 45 phút ngày 7-7, chiếc máy bay trực thăng Mi 171 mang số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân trực thăng 916, Sư đoàn Không quân 371 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân chở 21 cán bộ, chiến sĩ bay huấn luyện nhảy dù do sự cố kỹ thuật đã rơi tại địa phận thôn xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Khi trực thăng gặp sự cố, phi công đã cố gắng điều khiển máy bay ra xa khu vực đông dân cư trước khi trực thăng rơi xuống đất. Vụ tai nạn trực thăng rơi rơi thảm khốc đã khiến 16 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại hiện trường; 5 chiến sĩ bị thương được chuyển đến điều trị tại Viện Bỏng quốc gia nhưng do bị thương quá nặng 3 chiến sĩ đã hy sinh sau đó, nay thêm 1 chiến sĩ trong vụ tai nạn này hy sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.