(HNM) - Lối vào rừng thiêng Trần Hưng Đạo (thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) nơi khai sinh Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ), tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay không còn quá âm u, huyền bí.
Nhưng để đến được địa chỉ đỏ này, tôi và các đồng nghiệp dự hành trình Về nguồn do báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh tổ chức phải đi qua gần 400 cây số. Từ thị xã Cao Bằng về đến rừng thiêng vẫn còn nhiều đoạn không có một nóc nhà, đường hiểm trở với khoảng 400 dốc cua tay áo, các núi đèo khúc khuỷu trong sương mù dày đặc, khiến chúng tôi thấy như thấm hơn những gian nan của bộ đội ta trong những năm tháng chiến đấu ác liệt.
Niềm vui của ông Cắm khi gặp lại người dân ở khu rừng Trần Hưng Đạo năm xưa.
Trong số 34 đội viên đầu tiên, nay chỉ còn hai người còn sống. Vì lý do sức khỏe, chỉ có người lính già Tô Văn Cắm (bí danh Tiến Lực) cố gắng vượt qua mệt mỏi, trở về bên cánh rừng dẻ cổ thụ để tưởng nhớ về những người đồng đội thân thiết. Mặc dù đã gần 20 năm chưa về thăm quê, nhưng thật lạ, ông vẫn nhớ như in từng ngã rẽ. Người lính già nắm tay vợ đi trong mê mải giữa rừng Trần Hưng Ðạo, ngồi dưới bức phù điêu bằng đá tạc hình Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đứng trước hàng quân, lắng nghe tiếng vọng của lịch sử, ông đọc rõ từng tên đồng đội năm xưa, kể cả bí danh, quê quán, dân tộc… "Chúng tôi lúc ấy được anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) cho vào Đội. Cao Bằng có 25 đồng chí, Bắc Kạn 3, Thái Nguyên 2… Trong đó có 4 đồng chí là người Kinh, người Mông 1, người Dao Tiền 1... Đội VNTTGPQ lần đầu tiên tập hợp đội ngũ chỉnh tề, dưới lá cờ sao đỏ thắm vào ngày 22-12-1944. Anh em đều được đích thân anh Văn (được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy nhiệm lãnh đạo) phát súng, mỗi người một khẩu. Giữa đêm rừng mịt mù ấy, tôi lúc này 18 tuổi, đã khóc khi cả nhóm đều thốt chung nguyện ước: Mong sao giết được nhiều giặc để không còn bị áp bức, không bị đóng sưu cao thuế nặng, lấy được nhiều súng Tây thay súng kíp, chứ không nghĩ đó là ngày lịch sử thành lập quân đội".
Người lính già đã kể chúng tôi nghe câu chuyện đánh đuổi thực dân phát xít ngay sau ngày thành lập đội, trận đánh đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần (nay thuộc huyện Nguyên Bình) vào ngày 25 và ngày 26-12.
Hơn 60 năm đã qua kể từ ngày 22-12-1944, từ cánh rừng đại ngàn Trần Hưng Đạo, đội quân "bé nhỏ đàn anh" (chữ Bác Hồ) dưới sự chỉ huy của anh Văn đã nhân lên thành những binh đoàn hùng mạnh, đi từ Bắc vào Nam. Lại nói về Tô Văn Cắm, sau khi cùng toàn thể Đội VNTTGPQ đánh đồn trở về, đã hoạt động vũ trang tuyên truyền ở vùng cao hai huyện Nguyên Bình và Ngân Sơn. Ngày 23-9-1945, tiếng súng kháng chiến chống thực dân Pháp vang lên ở Nam bộ. Theo tiếng gọi "sơn hà nguy biến", nhiều đoàn quân "Nam tiến" đã hăm hở lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Cả ba anh em Tô Văn Cắm đã có mặt trong đoàn quân oai hùng đó. Vào đến chiến trường Rạch Giá một thời gian ngắn, đến giữa năm 1946, trong một trận chiến đấu ác liệt, ông bị thương nặng, phải rời đơn vị và trở về Bắc, rồi được giải ngũ về lại quê nhà. Thế nhưng, cuộc đời làm lính chiến của ông chưa chấm dứt tại đây. Sau sự kiện quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn vào ngày 10-7-1947, Tô Văn Cắm lại hăng hái xung phong tái ngũ. Trong chiến dịch biên giới (Thu Đông năm 1950), trên cương vị trung đội trưởng phòng không, ông tham gia trận đánh đồn Đông Khê lần thứ hai và lại bị thương nặng. Chính vết thương này đã buộc ông phải chia tay thực sự với đời binh nghiệp. Ông trở về với khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi ông đã trưởng thành, gắn bó, yêu thương và ghi dấu biết bao kỷ niệm trên chặng đường hoạt động cách mạng của mình. Tới năm 1992, đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm", nhưng Tô Tiến Lực tức Tô Văn Cắm vẫn quyết định bứt ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đói nghèo, cùng vợ con tìm đường vào xây dựng kinh tế mới trên cao nguyên Lâm Đồng… Những ngày xế bóng cuộc đời, ông vẫn chăm chỉ cùng con cháu làm ăn, giữ vững truyền thống gia đình, quê hương như anh Văn ngày nào đã căn dặn…
Trong câu chuyện của đời mình, người lính già hơi nghẹn lời khi nhắc đến người đồng đội còn sống của mình - ông Hà Hưng Long, chiến sĩ trẻ nhất của Đội VNTTGPQ nay đã 86 tuổi, sống ở xã An Tường, Tuyên Quang. Ông bảo, Đội VNTTGPQ nay chỉ còn ông và ông Long giờ đã yếu, nhiều thông tin trong suốt cuộc đời binh nghiệp đã lãng quên ít nhiều. Thế nhưng có những chuyện không quên được, đó là tình đồng đội thân thiết, những ngày gian khó bên nhau. "Tiếc là chúng tôi đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, không cùng tham gia được chuyến đi này và chắc cũng chẳng còn cơ hội gặp nhau nữa…" ông Cắm ngậm ngùi…
Rồi cũng đến lúc chia tay, chúng tôi - những đoàn viên thanh niên trong cuộc hành trình về nguồn lần này còn muốn nghe nhiều hơn nữa những câu chuyện về quá khứ hào hùng, để rồi như tiếp nhận ngọn lửa truyền thống cách mạng của cha ông truyền lại. Tự lòng mình, mỗi chúng tôi thầm hứa, sẽ nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, để ngọn lửa thiêng ở khu rừng Trần Hưng Đạo năm nào mãi tỏa sáng.