Trong những ngày nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua, một không khí vui tươi, phấn khởi lan tỏa khắp các làng quê ngoại thành Hà Nội. Tết Độc lập, vừa là dịp để bà con chung vui, cùng tổ chức những hoạt động ý nghĩa thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, vừa cho thấy đời sống của người dân nông thôn Thủ đô giờ đây đã, đang có những đổi thay mạnh mẽ, trở thành những vùng quê đáng sống.
Có thể thấy, về khu vực nông thôn Thủ đô hiện nay chúng ta được chứng kiến một diện mạo mới ngày càng khang trang, hiện đại. Trong đó, hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, hiện đại đã, đang phục vụ tốt các nhu cầu của người dân nông thôn. Chưa kể, những tuyến đường làng, ngõ xóm sầm uất như phố thị, những ngôi nhà cao tầng hiện diện khắp các làng quê.
Đời sống vật chất của người dân từng bước được nâng lên là nhờ cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn đã có thay đổi căn bản. Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp được cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã giải phóng sức lao động; các làng nghề, khu, điểm công nghiệp ngày càng phát triển, mở rộng cũng giúp người dân nông thôn có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập ngay tại địa phương.
Cùng với đời sống vật chất nâng cao, đời sống tinh thần của người dân nông thôn cũng ngày càng phong phú. Hình ảnh dễ thấy khi về các vùng quê giờ đây là các nhà văn hóa được xây dựng khang trang, hiện đại đã trở thành nơi vui chơi, rèn luyện sức khỏe và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao sôi động của người dân địa phương.
Phải khẳng định, trong quá trình phát triển, Hà Nội đã rất chú trọng chương trình xây dựng nông thôn mới, công tác an sinh xã hội, bảo đảm sự phát triển đồng đều, bền vững giữa các vùng, địa phương. Đến nay, 100% huyện, xã trên địa bàn Thủ đô đã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố cũng thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù, giải pháp giảm nghèo bền vững.
Trong định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô, Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển đô thị cũng như giữ gìn các nét văn hóa truyền thống ở mỗi vùng quê.
Theo đó, các huyện, thị xã sẽ tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng nông nghiệp nông thôn; mở rộng cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics; phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, các địa phương khu vực nông thôn cũng tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất ngành Giáo dục gắn với nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực ở nông thôn; chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn; giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn; thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh…
Đặc biệt, thành phố Hà Nội sẽ huy động mọi nguồn lực thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” ngay trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025. Trong đó, thành phố tập trung hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở các địa phương, nhất là các huyện phát triển thành quận như: Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì… Bên cạnh đó, thành phố cũng hỗ trợ tích cực các huyện phát triển kinh tế tập thể, làng nghề truyền thống và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.