Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị là chỉ đạo xuyên suốt của thành phố Hà Nội trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo lộ trình, Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 5 huyện phát triển thành quận và năm 2028 tiếp tục có thêm 3 huyện phát triển thành quận. Với định hướng này, nhiều địa phương đã song hành thực hiện 2 mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với các tiêu chí của phường, quận. Như vậy, xây dựng nông thôn mới đang là tiền đề cho phát triển đô thị.
Phố nhộn nhịp trong làng
Xã Tân Lập đang có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất huyện Đan Phượng. Xã hiện có hơn 7.200 hộ, hơn 25.200 nhân khẩu. Tân Lập hôm nay không khác nào phố thị, bởi những ngôi nhà cao tầng san sát nhau; hệ thống đường giao thông ngang dọc, luôn nhộn nhịp các phương tiện tham gia giao thông; sản xuất nông nghiệp thu hẹp dần và dịch vụ, thương mại phát triển nhanh. Trên địa bàn xã còn có Khu đô thị Tân Tây Đô với hàng trăm hộ dân sinh sống…
Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Văn Học cho biết, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Với định hướng xây dựng xã thành phường, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Tân Lập đã đầu tư hệ thống hạ tầng đạt chuẩn. Đến nay, Trường Mầm non Tân Lập, Trường Tiểu học Tân Lập B, Trường Trung học cơ sở Tân Lập đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 82 triệu đồng/năm, cao hơn mức bình quân toàn huyện Đan Phượng.
“Chúng tôi đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực, phấn đấu đến năm 2025 xây dựng xã thành phường. Tính đến thời điểm hiện tại, xã đạt 13/16 tiêu chí của phường, còn 3 tiêu chí chưa đạt, gồm: Cân đối thu chi, đất giao thông và tỷ lệ đường được chiếu sáng”, ông Nguyễn Văn Học thông tin.
Cùng với Tân Lập, nhiều xã của các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm cũng có tốc độ đô thị hóa nhanh, phố xá đã hiện diện trong mỗi ngôi làng.
Trước đây, đường vào thôn Cương Ngô, xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) rất nhỏ, nay được mở rộng 5m và trải nhựa, đổ bê tông. Bí thư Chi bộ thôn Cương Ngô Trần Văn Vinh chia sẻ, từ khi mở đường, các hộ có nhà mặt tiền đều chuyển sang kinh doanh hoặc cho thuê, hình thành “phố trong làng”; đời sống người dân ngày một ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, người dân đã thay đổi nếp sống sinh hoạt, cách nghĩ, cách làm. Từ việc tham gia bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi, đến việc trồng cây xanh, thảm hoa để thôn, xóm trở thành nơi đáng sống đều được nhân dân tích cực hưởng ứng, thực hiện…
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại các huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức cho thấy, diện mạo đô thị đã dần được hình thành. Bên cạnh hệ thống cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm”, các huyện đặc biệt quan tâm đến việc tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, xây dựng những tuyến đường có hoa, nhà có số; cải tạo ao, hồ, xây dựng sân chơi, vườn hoa…, giúp bộ mặt nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng trở thành một đô thị trong tương lai. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.
Cách làm bài bản, đúng hướng
Theo Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền, những thành tựu trong công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đã và đang trở thành lợi thế để các xã cũng như huyện nhanh chóng hoàn thiện tiêu chí phát triển thành phường, quận. Đến nay, 20/20 xã của huyện Gia Lâm đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện cũng đã hoàn thiện hồ sơ “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao” trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Là một trong những thôn làm điểm mô hình thôn thông minh trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Gia Lâm, Bí thư Chi bộ thôn Thuận Quang (xã Dương Xá) Nguyễn Nhân Khả cho hay, thôn đã huy động các nguồn lực để lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí; lắp đặt hàng chục camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, tuyến đường trục chính; thành lập trang thông tin thôn, xóm, các đoàn thể trên nền tảng mạng xã hội Zalo, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin mới một cách chính xác, thuận tiện.
Từ mô hình điểm ở thôn Thuận Quang, xã Dương Xá đã nhân rộng ra 7 thôn, tổ dân phố còn lại, hướng tới mục tiêu xây dựng “xã thông minh” và tạo tiền đề đưa Dương Xá trở thành đô thị thông minh khi trở thành phường.
Còn theo Chủ tịch UBND xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) Lê Xuân Hưng, Thọ Xuân đã và đang tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Từ năm 2022, Thọ Xuân đã tuyên truyền, vận động người dân khi xây dựng nhà ở phải báo cáo chính quyền địa phương để làm thủ tục cấp phép. Quá trình xây dựng phải ký giấy cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường và không làm ảnh hưởng đến các hộ liền kề… Nông thôn mới hôm nay chính là hành trang cho phát triển đô thị trong tương lai.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, xây dựng nông thôn mới và xây dựng đô thị đều có bộ tiêu chí rất cụ thể. Để thực hiện song hành các tiêu chí, các xã ở các huyện đang nỗ lực phát triển thành quận đã hợp nhất hai bộ tiêu chí, gắn việc xây dựng huyện thành quận, xã thành phường với những tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Hiện tại, huyện Đông Anh và huyện Gia Lâm đã hoàn thành các tiêu chí và đủ điều kiện theo tiêu chuẩn tối thiểu để trở thành quận. Các huyện: Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án thuộc đối tượng đạt tiêu chí trở thành quận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.