(HNM) - Ngày 20-10, Báo Hànộimới đăng bài:
Phóng viên Báo Hànộimới trao đổi với Luật sư Trần Hồng Phúc. |
Vụ án được tóm lược như sau: Ngày 21-12-2009, ALSIMEXCO đã ký hợp đồng cung ứng 200 lao động Việt Nam làm việc tại Israel với Công ty Global Horizons Canada (có trụ sở tại 3165 Weal PD, Vitoria BC, Canada V8W 6E2). Trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng, do cần phải bảo lãnh thực hiện hợp đồng và khai thác khả năng của các đối tác có năng lực nên công ty đã tìm kiếm nhà đầu tư trong nước liên kết hợp tác góp vốn, cùng tham gia thực hiện. Trên cơ sở nghiên cứu, xem xét, ngày 10-8-2010, nhà đầu tư Vũ Hải Phong đã đồng ý góp vốn với ALSIMEXCO và hai bên đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư tài chính số 01/2010/ HTĐTTC, có thời hạn 1 năm (từ ngày 10-8-2010 đến 10-8-2011), trong đó nêu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi nhuận của mỗi bên được hưởng theo các điều khoản trong hợp đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ông tổng giám đốc công ty phía đối tác nước ngoài có dấu hiệu vi phạm pháp luật Mỹ và đã bị tạm giam, dẫn đến hợp đồng cung ứng lao động ký giữa hai bên bị gián đoạn. Ngay sau đó, ALSIMEXCO đã khởi kiện Công ty Global Horizons Canada tại Tòa án Canada và Tòa đã buộc Công ty Global Horizons Canada phải trả lại ALSIMEXCO khoản tiền bảo lãnh 307.377 CAD tương đương 300 nghìn USD. Công ty đã thông báo, trao đổi diễn biến và kết quả thực hiện với ông Vũ Hải Phong và nhận được sự đồng ý gia hạn hợp đồng cho tới ngày hai bên cùng thỏa thuận chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên sau đó ông Phong đổi ý và khởi kiện công ty ra TAND quận Long Biên với lý do bản hợp đồng hai bên ký vi phạm pháp luật về quản lý ngoại hối và đề nghị tòa tuyên vô hiệu để trả lại tiền ông Phong đã đầu tư. Ngày 14-8, tại phiên tòa do Thẩm phán Nguyễn Thị Phương Huyền làm Chủ tọa, TAND quận Long Biên đã quyết định hợp đồng hợp tác đầu tư tài chính giữa ông Vũ Hải Phong và ALSIMEXCO là vô hiệu.
Ngày 15-12, trao đổi với chúng tôi về bản án này, Luật sư Trần Hồng Phúc, Công ty Luật Nguyễn Chiến - Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã phân tích những vi phạm và sai lầm của bản án. Cụ thể là sai lầm về đường lối xét xử và vi phạm về tố tụng của vụ án. Theo Luật sư Phúc, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối 2005 và Điều 29 Nghị định số 160/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ngoại hối 2005 để xác định việc các bên giao kết đồng tiền thanh toán bằng USD trên hợp đồng hợp tác đầu tư tài chính đã vi phạm các quy định này của pháp luật nên hợp đồng vô hiệu. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử, ngoài việc tuân theo các quy định của pháp luật thì Tòa án còn phải tuân theo các văn bản quy phạm pháp luật của ngành tòa án. Đó là các Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao (HĐTP TANDTC) trong công tác xét xử. Căn cứ quy định tại điểm b, khoản 3, mục 1 Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27-5-2003 của HĐTP TANDTC cho thấy, các bên có thỏa thuận giá cả thanh toán bằng ngoại tệ nhưng việc sử dụng ngoại tệ chỉ làm đồng tiền định giá, còn việc thanh toán của ông Phong cho ALSIMEXCO bằng tiền đồng Việt Nam nên hợp đồng không bị coi là vô hiệu. Việc Tòa án tuyên hợp đồng giữa các bên đương sự vô hiệu là chưa xem xét, áp dụng quy định này của pháp luật.
Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng, ALSIMEXCO không có ngành nghề kinh doanh hợp tác đầu tư tài chính hay huy động vốn góp nên việc các bên giao kết hợp đồng với nhau cũng là một trong các lý do dẫn đến vô hiệu hợp đồng. Tòa án nhận định như vậy là chưa xem xét đánh giá toàn diện chứng cứ và thực tế khách quan của giao dịch giữa các bên. ALSIMEXCO và ông Phong hợp tác kinh doanh chỉ là một trong các hình thức để triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh của ALSIMEXCO, không phải là một ngành nghề đăng ký kinh doanh của ALSIMEXCO. Do vậy, căn cứ quy định tại khoản 16 Điều 3, khoản 3 Điều 21 và khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư 2005 thì hợp đồng giao kết giữa ông Phong và ALSIMEXCO là hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC). Đây không phải là hợp đồng chuyên doanh trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, tài chính để phải đăng ký ngành nghề kinh doanh theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2005. ALSIMEXCO có chức năng và giấy phép đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, có đối tác nước ngoài nên ký hợp đồng nhằm hợp tác kinh doanh với ông Phong để thực hiện công việc theo chức năng XNK lao động đã đăng ký kinh doanh của mình.
Theo Luật sư Trần Hồng Phúc, TAND quận Long Biên tuyên hợp đồng vô hiệu nhưng không giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu là hết sức phi lý. Theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Dân sự 2005 thì khi tuyên bố hợp đồng vô hiệu, ngoài việc khôi phục lại tình trạng ban đầu, trả cho nhau những gì đã nhận, còn phải xác định lỗi, thiệt hại của mỗi bên để bảo đảm quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do lỗi làm hợp đồng vô hiệu của các bên giao kết. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không giải quyết việc này nên dẫn đến tình trạng ALSIMEXCO đã chi phí nhiều cho việc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh với ông Phong nhưng không được xem xét quyền lợi.
Nhìn nhận về phiên xét xử, Luật sư Phúc cũng cho rằng, ngay từ khi thụ lý đơn khởi kiện, Tòa đã thụ lý không đúng quy định. Cụ thể, thời điểm ông Phong khởi kiện và Tòa án tiến hành thụ lý vụ án thì Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 3-12-2012 của HĐTP TANDTC đã có hiệu lực và nghị quyết này đã có định mẫu đơn khởi kiện áp dụng cho thủ tục tố tụng dân sự trên cả nước. Đối chiếu đơn khởi kiện ngày 9-12-2013 của ông Phong không tuân theo quy định của mẫu số 01 nêu tại Nghị quyết số 03 nêu trên nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không hướng dẫn sửa đổi đơn kiện mà vẫn thụ lý là vi phạm. Ngay tại đơn khởi kiện, ông Phong có cung cấp tài liệu chứng cứ kèm theo đơn kiện là hợp đồng giao kết giữa ông Phong và ALSIMEXCO thể hiện số tiền ông Phong góp cho ALSIMEXCO là để đặt cọc bảo lãnh cho Công ty Global Horizons Canada. Như vậy, ở đây có sự liên quan mật thiết về số tiền ông Phong góp hợp tác với ALSIMEXCO để chuyển cho đối tác nước ngoài (vì ALSIMEXCO cũng không sử dụng số tiền này mà đem đặt cọc cho công ty nước ngoài) nên công ty nước ngoài có nghĩa vụ đối với số tiền ông Phong kiện đòi và đương nhiên trở thành người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này. Việc không đưa đối tác nước ngoài vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bỏ sót người tham gia tố tụng. Chính vì điều này cũng dẫn đến sai lầm về thẩm quyền thụ lý, giải quyết của Tòa án bởi nếu vụ án có yếu tố nước ngoài thì thẩm quyền thụ lý, giải quyết thuộc Tòa án cấp tỉnh, không phải cấp huyện.
Việc Tòa án cấp sơ thẩm sửa chữa, bổ sung Bản án sơ thẩm số 08 ngày 14-8-2014 cũng là tùy tiện vì theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành chỉ cho phép sửa chữa, bổ sung bản án trong trường hợp lỗi sai về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Nội dung Tòa án cấp sơ thẩm thực hiện sửa chữa, bổ sung tại bản án sơ thẩm số 08 không phải là những lỗi sai trên mà là văn bản pháp luật áp dụng cho việc giải quyết vụ án nên theo quy định của pháp luật vừa viện dẫn thì không được phép sửa chữa, bổ sung nhằm đính chính nội dung này.
Rõ ràng, đối với bản án sơ thẩm số 08/2014/KDTM-ST, do Thẩm phán Nguyễn Thị Phương Huyền, Phó Chánh án TAND quận Long Biên làm Chủ tọa, đã và đang tồn tại nhiều vấn đề cần được làm rõ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.