(HNM) - Hà Nội đề ra mục tiêu đến cuối năm 2020 phấn đấu có thêm 7 huyện, thị xã và 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Để tạo thêm nguồn lực giúp các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ từ thành phố, các quận nội thành cũng sẽ tiếp tục tích cực tham gia...
Nỗ lực về đích nông thôn mới dù vẫn còn khó khăn
Thực tế, sự hỗ trợ của thành phố và các ngành, quận... đã giúp nhiều địa phương ở Hà Nội hoàn thành hoặc sắp hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội và huyện Mỹ Đức đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhiều công trình phúc lợi tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) như: Làm đường giao thông từ thôn Hoành đi thôn Đồng Mít; xây dựng và mua sắm trang thiết bị trường học... Nhờ đó, xã Đồng Tâm đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 17/19 tiêu chí, phấn đấu về đích nông thôn mới năm 2021.
Cũng về chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Ba Vì đề ra mục tiêu, năm 2020 có 5 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới là: Vạn Thắng, Tản Lĩnh, Phú Đông, Tiên Phong, Đồng Thái; nâng số xã hoàn thành lên 23/30 xã. Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến, huyện đã dồn điền đổi thửa đạt 123,3% so với kế hoạch thành phố giao; xây dựng được 11 mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất... đáp ứng yêu cầu về xây dựng nông thôn mới. Hiện hầu hết các xã đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2020 đều đã đạt các tiêu chí.
Còn Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Nguyễn Phi Thường thông tin: Huyện đã mời Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng một số sở, ngành của Hà Nội tham gia đóng góp ý kiến đề án phát triển nông nghiệp của huyện. Đề án này sẽ giúp người dân định hướng tốt hơn trong phát triển kinh tế, từ đó nâng cao thu nhập - một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến nay thành phố đã có 6 huyện và 355/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Mục tiêu đến cuối năm 2020 phấn đấu có thêm 7 huyện, thị xã và 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại hoàn thành mục tiêu vào năm 2021. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn khi muốn hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Như tại huyện Ba Vì, do nguồn lực đầu tư từ ngân sách của huyện hạn chế, việc xã hội hóa xây dựng nông thôn mới chưa nhiều... nên "cán đích" nông thôn mới là nhiệm vụ không dễ.
Còn huyện Ứng Hòa, vì lý do kinh phí nên vẫn có 37 nhà văn hóa chưa được đầu tư, cải tạo; 30% số trường học chưa đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Vì thế, các huyện, thị xã, xã chưa đạt nông thôn mới rất cần được hỗ trợ kinh phí đầu tư các công trình hạ tầng...
Nội thành tiếp tục hỗ trợ ngoại thành
Tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, hằng năm thành phố Hà Nội đều ưu tiên bố trí ngân sách cho xây dựng nông thôn mới. Từ đầu năm 2016 đến hết tháng 6-2020, toàn thành phố đã huy động được hơn 56.512 tỷ đồng cho chương trình này.
Cũng từ năm 2016, toàn bộ 12 quận thuộc thành phố đã tham gia hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí hơn 713 tỷ đồng. Tuy nhiên, do Kiểm toán Nhà nước khu vực 1 kiến nghị việc sử dụng ngân sách quận hỗ trợ các huyện là chưa đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước nên trong cả năm 2019 và hầu hết nửa đầu năm 2020, chương trình này đã tạm dừng.
Mới đây, ngày 19-6-2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. Theo đó, Quốc hội cho phép HĐND thành phố Hà Nội quyết định: “Cho phép các quận sử dụng ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn của thành phố Hà Nội trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới”.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí khẳng định: Từ nghị quyết của Quốc hội, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chương trình nội thành hỗ trợ ngoại thành xây dựng nông thôn mới. Việc này sẽ tạo thêm nguồn lực cho các huyện xây dựng cơ sở vật chất... Đây cũng là trách nhiệm, là tình cảm của nhân dân các quận đối với nhân dân các huyện, thị xã.
Tại hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2020 của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020 đã yêu cầu Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện đẩy mạnh chương trình nội thành hỗ trợ ngoại thành, tiếp thêm nguồn lực giúp các xã, huyện khó khăn về đích nông thôn mới.
Thêm nguồn lực quan trọng này, tin tưởng rằng, các địa phương vùng ngoại thành sẽ sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.