(HNM) - Với tác phẩm “Hà Nội xưa và nay” của tác giả Bạch diện Nguyễn Văn Cư, vừa được Nhà Xuất bản (NXB) Hội Nhà văn cho ra mắt, bạn đọc yêu Hà Nội có thêm tài liệu chuyên khảo về mảnh đất Kinh đô. Nhưng, với một Hà Nội từ lâu đã được các
Đúng như tên gọi, sách được chia làm hai phần chính: Phần “Hà Nội xưa” ghi từ cuối thời kỳ phong kiến đến Cách mạng Tháng Tám; phần “Hà Nội nay” ghi những sự kiện từ Cách mạng Tháng Tám đến kỳ họp Quốc hội nước Việt Nam thống nhất ngày 24-6-1976.
Tác giả Nguyễn Văn Cư sinh ra trong một gia đình nhà Nho lâu đời ở Hà Nội. Kiến văn ghi trong sách phần lớn là những điều được tác giả “mắt thấy tai nghe”, nên trong gần 390 trang viết của cụ, đã thấy nhiều hấp dẫn và mới mẻ. Những đổi thay của Hà Nội qua bao thăng trầm của lịch sử đã được người đi trước đề cập thì nay, cụ chỉ nhắc lại nhằm tạo đà để bổ sung vào đó những điều mới. Chẳng hạn như Ô Quan Chưởng đâu đơn giản chỉ là một cửa thành, nó được chúa Trịnh Giang sai dân phu xây cổng đắp tòa thành đất để chống Quận He - Nguyễn Hữu Cầu - khởi nghĩa. Hoặc trong khi đào đất đắp thành ở thôn Tự Tháp, người dân thấy một pho tượng đá hình người đàn bà và đặt tượng vào thờ ở chùa Linh Quang; từ đó, dân gian gọi nôm na chùa này là chùa Bà Đá.
Mô tả những nét tang thương của Hà Nội một thời, tác giả đã dành 6 trang để kể “Pháp phá thành cổ Hà Nội”. Câu chuyện gắn với cô Tư Hồng Trần Thị Lan, vốn là một người nghèo khổ, quê ở Hà Nam, do gặp may mà trúng thầu việc phá thành Hà Nội. Hơn một thế kỷ nay, chuyện về cô Tư Hồng đã là đề tài cho bao văn nhân làm thơ châm biếm, đả kích và cả khai thác dưới góc độ một số phận riêng gắn với bối cảnh chung của Hà Nội.
Một ưu điểm khác là sách đã nói về phong tục tập quán và nếp sinh hoạt của người Hà Nội dưới thời phong kiến. Tác giả kể khá kỹ về sự ăn mặc, ở, đi lại của người Thăng Long - Hà Nội; các di tích ở Kinh đô đến đình, chùa, đền, miếu ở các làng quê; các lễ tiết trong năm và điều kiêng kỵ trong những ngày Tết Nguyên đán. Sách còn nói về thể lệ, những cấm kỵ của kỳ thi hương, thi hội, qua đó, giúp bạn đọc hiểu ra nhiều điều mà trước đó đã bị hiểu sai. Chẳng hạn như câu “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, hóa ra chỉ sự đón tiếp các sĩ tử mỗi khi họ vào trường thi. Có một thời Hà Nội hay nói đến “còi tầm”, “làm thông tầm”, ấy là do trước đây ở phố Hàng Trống có cửa hàng bán đồ cũ, cứ vào ngày thứ sáu và thứ bảy là ông chủ thuê một người đeo trống trước bụng đi khắp phố đánh trống rao bán hàng. Chiếc trống cái, tiếng Pháp là “tam tam”, ta gọi luôn là “tầm tầm”...
Đọc cuốn sách đến trang cuối cùng mới biết cụ Nguyên Văn Cư hoàn thành bản thảo vào ngày 25-7-1977. Vậy mà 39 năm qua đi rồi sách mới được xuất bản. Bản thảo nằm lẫn trong các chồng báo cũ trên một căn gác nhỏ, nơi cụ ở, tại 46 phố Hàng Tre. Cũng may, người cháu ngoại của cụ là một nhà báo đã thấy được bản thảo. Sách được nhà văn Thái Thành Đức Phổ nhuận sắc và dự định in trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng do nhiều lý do nên phải thêm 6 năm nữa thì những dòng ghi chép này mới đến tay bạn đọc. Ở nơi chín suối, chắc hẳn cụ Nguyễn Văn Cư đã thỏa lòng: “Viết cuốn sách này, chúng tôi cũng noi gương Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án là tác giả các cuốn “Tang thương ngẫu lục” và “Vũ trung tùy bút”, hy vọng góp một số tài liệu phục vụ cho công việc khảo cứu”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.