Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm một quyết định bất ngờ của Mỹ

Thùy Dương| 29/04/2019 07:22

(HNM) - Trong một tuyên bố đầy bất ngờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thông báo chính quyền của ông sẽ ngừng phê chuẩn Hiệp ước Buôn bán vũ khí quốc tế (ATT) của Liên hợp quốc và Mỹ sẽ rút khỏi văn kiện này.

Thông tin được đưa ra tại cuộc gặp thường niên của Hiệp hội súng trường quốc gia Mỹ (NRA). Ông chủ Nhà Trắng cho rằng ATT là “sai lầm tồi tệ” và là mối đe dọa đối với sự tự do của Mỹ. Hiệp ước được thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 2-4-2013 và chính thức có hiệu lực từ tháng 12-2014. 101/130 quốc gia ban đầu ký ATT đã phê chuẩn Hiệp ước, trong đó có các cường quốc như Pháp, Đức và Anh. Mỹ đã ký kết nhưng chưa chính thức tham gia hiệp ước vì chưa được Thượng viện thông qua.

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Buôn bán vũ khí quốc tế được cho là nhằm thúc đẩy ngành chế tạo vũ khí của nước này.


Theo Hiệp hội Kiểm soát vũ khí có trụ sở tại Mỹ, ATT được lập ra nhằm giảm những nỗi đau mà con người phải gánh chịu do việc buôn bán vũ khí vô trách nhiệm và phi pháp gây ra, đồng thời củng cố an ninh, ổn định cũng như bảo đảm sự minh bạch trong việc mua bán vũ khí truyền thống của các quốc gia. Hiệp hội cũng cho biết hiệp ước không ảnh hưởng tới Luật Kiểm soát súng đạn hay các chính sách sở hữu vũ khí của mỗi nước.

Tuy nhiên, ATT yêu cầu các quốc gia thành viên thiết lập và duy trì một hệ thống kiểm soát quốc gia. Theo đó, hiệp ước không chỉ áp dụng đối với các phần cứng quân sự như xe tăng, phương tiện bọc thép, tên lửa, máy bay chiến đấu, trực thăng, tàu chiến và bệ phóng tên lửa… mà còn nhắm tới các loại vũ khí nhỏ và hạng nhẹ.

Từ lâu, NRA đã phản đối ATT vì cho rằng hiệp ước ảnh hưởng đến quyền sử dụng súng ở Mỹ. Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, doanh thu từ việc xuất khẩu vũ khí của nước này đã tăng 33% trong năm 2018, từ 41,93 tỷ USD trong năm 2017 lên mức 55,66 tỷ USD. Các nhà phân tích đánh giá việc rút khỏi ATT là một phần trong việc điều chỉnh chính sách xuất khẩu vũ khí của chính quyền Tổng thống D.Trump nhằm thúc đẩy ngành chế tạo vũ khí của Mỹ. Kể từ khi đắc cử, ông D.Trump luôn là người ủng hộ mạnh mẽ cho quyền sử dụng súng ở xứ Cờ hoa.

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống D.Trump, một số tổ chức quốc tế và cả đồng minh thân thiết là Liên minh châu Âu (EU) đã lên án quyết định của Mỹ. Ông Abby Maxman, Chủ tịch nhóm Oxfam (Mỹ) trong một tuyên bố đã nói rằng, hành động này sẽ mở đường cho Iran, Triều Tiên và Syria tiếp tục không ký kết hiệp ước lịch sử có mục đích duy nhất là bảo vệ những người dân vô tội khỏi vũ khí chết người. Còn theo ông Adotei Akwei, thuộc Tổ chức Ân xá quốc tế Mỹ, với thông báo này, chính quyền Tổng thống D.Trump sẽ mở cửa trở lại cho hàng loạt các thương vụ bán vũ khí, trong đó các tiêu chí nhân quyền bị xem nhẹ. Cùng quan điểm, EU cảnh báo việc Tổng thống D.Trump rút nước Mỹ khỏi ATT sẽ cản trở cuộc chiến chống buôn bán vũ khí bất hợp pháp trên thế giới.

Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho biết, EU sẽ tiếp tục kêu gọi tất cả các quốc gia, đặc biệt là những nước xuất khẩu và nhập khẩu vũ khí lớn, nhanh chóng tham gia hiệp ước. EU đã coi văn bản này là chìa khóa để góp phần vào các nỗ lực quốc tế nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định chung. Toàn bộ các thành viên EU đã tham gia hiệp ước và quyết tâm theo đuổi các mục tiêu, nỗ lực để phê chuẩn cũng như thực thi ATT.

Rút khỏi một nỗ lực bảo đảm trách nhiệm trong việc chuyển giao vũ khí toàn cầu, Tổng thống D.Trump được cho là đang tiếp tục chấm dứt các sáng kiến dưới thời Tổng thống Barack Obama. Sự kiện này cho thấy chính sách “Nước Mỹ trên hết” tiếp tục là một ưu tiên trong nhiệm kỳ lãnh đạo của ông, bất chấp việc một số quyết định đã làm “dậy sóng” dư luận và tác động đến việc thực thi nhiều sáng kiến quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thêm một quyết định bất ngờ của Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.