(HNM) - Mới đây, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đã công bố bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2012 với 176 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong bảng xếp hạng này, 2/3 trong tổng số 176 quốc gia có điểm số dưới 50 (thang điểm bắt đầu từ 0 chỉ mức độ tham nhũng cao tới 100 - tương đương rất trong sạch) trong đó có Việt Nam.
Việt Nam đứng thứ 123/176 quốc gia. Những con số này chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng ở mỗi quốc gia nhưng có thể xem là một lời cảnh báo, nhắc nhở chúng ta rằng, phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.
Nếu so với thời kỳ bao cấp, tình trạng tham nhũng hiện nay ở Việt Nam phức tạp và nguy hiểm hơn rất nhiều. Trước đây, tham nhũng chủ yếu xảy ra ở lĩnh vực kinh tế, những năm gần đây đã lan tới các cơ quan bảo vệ pháp luật. Thậm chí, tham nhũng có cả ở các lĩnh vực nhân đạo, từ thiện và thực hiện chính sách xã hội như hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, cứu trợ thiên tai… Tham nhũng không còn là một thói xấu mà đã ở cấp độ cao hơn rất nhiều: một loại "giặc nội xâm". Loại giặc này đang tàn phá cơ thể đất nước, làm mất lòng tin của người dân với chính quyền.
Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp phòng chống tham nhũng theo hướng công khai, minh bạch hóa tối đa hoạt động của các cơ quan nhà nước, chính quyền và từng cán bộ công chức… Có thể nói chúng ta đã "bắt được bệnh, bốc được thuốc". Lãnh đạo Nhà nước cũng đã khẳng định, không có "vùng cấm" trong xử lý tham nhũng, cán bộ tiêu cực. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Nhiều vụ tham nhũng đã được đưa ra ánh sáng pháp luật nhưng tham nhũng vẫn xuất hiện ngày ngày trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng ta "bốc được thuốc" nhưng chưa buộc được "con bệnh" uống thuốc và uống đủ liều.
Với cơ chế hiện nay, không chỉ cán bộ ở các cơ quan trung ương mà cả cán bộ cấp cơ sở đều có thể lợi dụng quyền lực - dù ít hay nhiều và các kẽ hở của pháp luật để tham nhũng. Tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai ở nhiều địa phương là một ví dụ. Tham nhũng bắt nguồn từ lòng tham và quyền lực, hay nói cách khác lòng tham cộng quyền lực sẽ tạo ra tham nhũng. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng cần phải có giải pháp đồng bộ để hạn chế lòng tham, hạn chế quyền lực; có chế ước để người có quyền lực thực hiện quyền lực của mình trong giới hạn có kiểm soát…
Một vấn đề nữa, trong cuộc đối thoại mới đây giữa các nhà tài trợ quốc tế với chúng ta về phòng chống tham nhũng, những người cho chúng ta vay tiền đã khuyến cáo rằng: Hãy đưa các hành động chống tham nhũng vào việc ban hành mọi quyết định công… Lời khuyến cáo này không phải không có lý. Trước khi đưa ra những quyết định liên quan đến những lĩnh vực "nhạy cảm", người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần xem có kẽ hở nào có thể lợi dụng hay không và bằng mọi cách phải khỏa lấp được các "khoảng trống"; không cho tham nhũng có cơ hội phát tác. Chúng ta cần ngăn chặn tham nhũng ngay từ khi ban hành cơ chế chính sách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.