Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm lối ra cho ngành “công nghiệp không khói”

Thu Trang| 19/04/2013 08:34

(HNM) - Cùng với nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, xu hướng chọn tour trong dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay thiên về du lịch hành hương. Điều đó cho thấy, việc tạo dựng những sản phẩm du lịch gắn với lễ hội đặc biệt là hướng đi đúng.


Hiệu ứng đặc biệt

Kỳ nghỉ Giỗ Tổ kéo dài 3 ngày đã tạo cơ hội cho người dân có những chuyến dã ngoại bổ ích. Nhân dịp này, nhiều hãng du lịch đưa ra chùm tour tham quan hướng về cội nguồn như Hà Nội - Đền Hùng - Hạ Long - Vĩnh Phúc; Hà Nội - Hà Giang - Tuyên Quang - Đền Hùng - Bái Đính - Tràng An; Hà Nội - Yên Tử - Sa Pa - Đền Đô - Đền Hùng… Trong các tour nói trên, Đền Hùng luôn là điểm nhấn với lễ dâng hương nhớ về tổ tiên.

Các tiết mục văn nghệ luôn thu hút đông đảo khách du lịch tại Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Phương Thanh



Năm nay, dù chưa tới mức quá tải nhưng lượng khách chọn tour ngắn ngày trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, số lượng khách đăng ký tour hành hương về miền đất Tổ tại các hãng lữ hành như Vietravel, Saigontourist, Hanoi Redtours... tăng từ 15 đến 20%.

Trưởng phòng truyền thông Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Minh Mẫn cho biết: Đã thành truyền thống, cứ đến mùng 10 tháng Ba âm lịch hằng năm, đồng bào cả nước lại náo nức trảy hội Đền Hùng, họp mặt trong ngày Quốc giỗ. Năm nay, sự quan tâm càng lớn bởi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chính vì vậy, ngoài các tuyến, điểm du lịch biển, đảo như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Côn Đảo…, dịp này tại Vietravel, Khu di tích lịch sử Đền Hùng trở thành điểm "hot", được du khách lựa chọn nhiều nhất với khoảng 1.000 khách đã đăng ký (tăng 20% so với năm ngoái). "Mặc dù ở nhiều địa điểm tại TP Hồ Chí Minh có nơi thờ Vua Hùng, như ở Công viên lịch sử văn hóa dân tộc, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo Cầm Viên, Khu du lịch Suối Tiên, Công viên Tao Đàn…, nhiều hoạt động được tổ chức trong ngày Quốc Giỗ nhưng người miền Nam vẫn mong muốn được một lần về với vùng đất Tổ - Phú Thọ, được bái Tổ, tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng. Nhiều người còn muốn tận dụng hành trình bái Tổ để tìm hiểu nét sinh hoạt của người Việt thời Văn Lang... Cùng với khách miền Nam, lượng khách là Việt kiều, người nước ngoài đăng ký tour Đền Hùng cũng tăng", ông Nguyễn Minh Mẫn nói.

Ý nghĩa của những chuyến du lịch gắn với lễ hội nhiều khi không đong đếm được. Với nhiều người, chuyến du lịch về đất Tổ mang ý nghĩa khám phá cội nguồn, giáo dục con cháu. Chị Trịnh Kim Ngoan, người gốc Phú Thọ, hiện ở tại quận 4 - TP Hồ Chí Minh nói: "Chuyến đi này sẽ giúp cho các con, cháu tôi không chỉ biết mảnh đất cha ông chúng sinh ra, mà còn biết nơi Mẹ Âu Cơ đã sinh bọc trăm trứng, biết kinh đô nước Văn Lang xưa, biết đến lịch sử vẻ vang của dân tộc".

Cần làm bài bản, chuyên nghiệp

Theo các chuyên gia về du lịch và văn hóa, trong khi một số lễ hội đang mất dần sức hút đối với du khách thì Lễ hội Đền Hùng vẫn tỏ rõ thế mạnh, trở thành một sản phẩm du lịch được các hãng lữ hành triển khai mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Sau khi đón bằng công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa thế giới, Phú Thọ đã có nhiều biện pháp để đưa hoạt động tổ chức lễ hội vào khuôn khổ, đích đến là trở thành lễ hội kiểu mẫu ở Việt Nam; việc tổ chức lễ hội gắn liền với nhiệm vụ bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị di sản… Những động thái nói trên không chỉ có tác động tích cực đến công tác bảo tồn, tổ chức lễ hội, mà còn mở ra cơ hội cho việc thu hút du lịch, đem lại nguồn thu.

Theo đánh giá của các hãng lữ hành, những lễ hội lớn, mang tầm vóc quốc gia như Lễ hội Đền Hùng đang mở ra hướng phát triển mới cho ngành du lịch. Tuy nhiên, để thúc đẩy du lịch lễ hội, giúp loại hình này phát triển bài bản, bền vững thì cần có chính sách cũng như chiến lược phù hợp.

Kinh nghiệm ở nhiều nước cũng có thể là gợi ý đối với việc phát triển du lịch lễ hội tại Việt Nam, rất đáng để tham khảo. Không chỉ hấp dẫn du khách bằng cảnh sắc thiên nhiên, những điểm khám phá kỳ thú hay món ăn ngon, nhiều nước trên thế giới hình thành chiến lược thu hút khách thông qua việc tổ chức các lễ hội đặc sắc và chuyên nghiệp. Nhiều lễ hội, vốn mang tính địa phương, sau đã được quốc tế hóa, trở thành thương hiệu du lịch góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia đi khắp thế giới. Thực tế cho thấy lễ hội té nước trong dịp tết cổ truyền Songkran (Thái Lan) hay Chol Chnam Thmay (Campuchia), Lễ hội Hoa anh đào (Nhật Bản), lễ hội bia của người Đức... đều đã được biết tới ở phạm vi toàn cầu.

Việc phát triển loại hình du lịch lễ hội là khả thi. Tuy thế, để nâng tầm và phạm vi ảnh hưởng của các lễ hội tiêu biểu, điều cần nhất là hoàn thiện công tác tổ chức, khắc phục sự hạn chế thường thấy của lễ hội Việt Nam. Để Lễ hội Đền Hùng thực sự trở thành sản phẩm "đinh", gây được tiếng vang rộng rãi đối với du khách quốc tế thì tính thiêng liêng, nét truyền thống cần phải được gìn giữ, tránh sự lai tạp, biến tấu. Ngoài phần lễ, địa phương cần chú trọng khai thác sâu thêm phần hội, tạo ra những sân chơi đặc sắc mới, những sản phẩm du lịch đặc trưng, tăng cường năng lực giới thiệu sản vật, văn hóa ẩm thực sở tại… Khi đã tạo ra một sản phẩm du lịch tốt, khâu cuối cùng, không kém phần quan trọng là xây dựng chiến dịch quảng bá bài bản, chuyên nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thêm lối ra cho ngành “công nghiệp không khói”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.