(HNMO) - Chiều 22-2, tại Hà Nội, Báo Lao động phối hợp với các đơn vị biên soạn, xuất bản bộ sách giáo khoa Cánh Diều tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Giới thiệu sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 - Bộ sách Cánh Diều”.
Cùng với các khách mời gồm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa; Viện trưởng Viện Dư luận xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương Đỗ Thị Thanh Hà, tọa đàm còn có sự tham gia của tổng chủ biên, chủ biên sách giáo khoa một số môn học và giáo viên của một số trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Năm học 2021-2022 là năm thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đang triển khai ở lớp 1, lớp 2, lớp 6; năm học 2022-2023 sẽ triển khai đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Để triển khai hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông năm học 2022-2023. Theo quy định hiện hành, căn cứ danh mục sách giáo khoa đã được Bộ phê duyệt, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Hai tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa gồm: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ với các thầy giáo, cô giáo những trải nghiệm trong quá trình tổ chức biên soạn, xuất bản bộ sách giáo khoa Cánh Diều ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Các ý kiến cũng khẳng định phương châm biên soạn bộ sách là nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, trong đó thống nhất quan điểm “mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa thông tin, quá trình triển khai giám sát tại cơ sở cho thấy, các địa phương đều chủ động trong việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Khâu biên soạn cũng được đánh giá cao. So với trước, việc chọn sách giáo khoa hiện nay có những điểm mới: UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa; trong đó, ý kiến của đội ngũ nhà giáo tại các nhà trường được chú trọng trong quá trình lựa chọn sách.
Các giáo viên tham gia cuộc tọa đàm bày tỏ nhận thức rõ trách nhiệm trong việc lựa chọn sách giáo khoa, là kênh tham mưu nhà trường và là căn cứ để Hội đồng lựa chọn sách tại địa phương quyết định sách giáo khoa phù hợp theo các tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Những thông tin tại tọa đàm giúp giáo viên có thêm kênh tìm hiểu kỹ hơn, từ đó nâng cao trách nhiệm để nghiên cứu sách giáo khoa ở từng môn học, hoạt động giáo dục mà mình đảm nhận, góp phần đưa ra quyết định chọn sách phù hợp, hiệu quả, nâng cao chất lượng dạy học.
Cuộc tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động của các đơn vị sản xuất sách Cánh Diều thực hiện theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc các nhà xuất bản và đơn vị sản xuất sách phải tổ chức các hoạt động giới thiệu sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 đã được Bộ phê duyệt vào trước ngày 31-3. Ngoài các sách thuộc bộ sách Cánh Diều, năm học 2022-2023, còn có sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 khác do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.