(HNM) - Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục ĐH để trình Quốc hội vào tháng 5 tới, cũng là để đóng góp ý kiến cho đề án đổi mới giáo dục ĐH, nhiều chuyên gia đã đề cập tới việc phân tầng ĐH như một giải pháp mang tính quy luật, vừa có ý nghĩa quy hoạch mạng lưới ĐH và chiến lược phát triển giáo dục, một mục tiêu cơ bản trong giai đoạn hiện nay.
Không thể đánh đồng
Lý giải về sự cần thiết phân tầng ĐH, PGS Nguyễn Văn Nhã (ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra những lý do liên quan tới quy mô, chất lượng và "sứ mạng" của giáo dục ĐH. Chỉ trong một vài năm trở lại đây, gần 200 trường ĐH, CĐ đã ra đời, giúp cho nhiều học sinh THPT sau khi tốt nghiệp vào được các trường ĐH, CĐ, giúp giải quyết tình trạng thiếu chỗ học. Tuy nhiên, sự "bùng nổ" dẫn đến việc khá nhiều trường ĐH dân lập, trường công do UBND tỉnh quản lý không bảo đảm được chất lượng giảng dạy, chưa hoàn tất cơ sở vật chất và điều kiện phục vụ công tác đào tạo, trong khi số ngành đào tạo thì nhiều, các cơ quan quản lý không đủ sức kiểm tra chất lượng đào tạo.
Một giờ thực hành của sinh viên khoa Sinh học, Trường Đại học KHTN-ĐHQGHN. Ảnh: Bích Ngọc |
Về chất lượng, cứ sau một mùa tuyển sinh, khá nhiều trường ĐH, CĐ có kiến nghị với Bộ GD-ĐT giảm điểm sàn (xuống dưới 13 điểm). Trong khi đó, điểm sàn của một số trường ĐH lại rất cao, như ĐH Quốc gia Hà Nội không thể dưới 17 điểm, mà xét về học lực thì theo PGS Nguyễn Văn Nhã, cứ hơn nhau 5 điểm có thể đã là "đẳng cấp" khác rồi, không thể là may rủi. Bên cạnh đó, nói về "sứ mạng" đào tạo, qua trang web của nhiều trường ĐH, có thể thấy các trường có tuyên bố rất khác nhau, tiêu chí xét chọn vào học, chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo cũng khác nhau rất nhiều.
Theo PGS Nguyễn Văn Nhã, đôi khi, vì bị ảnh hưởng của cơ chế thị trường nên mục tiêu đào tạo bị đẩy xô lệch. Vì thế, xuất hiện những trường ĐH chỉ cần mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực cho địa phương hơn là đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cao, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài cho xã hội nói chung; những ĐH lớn thì kiên quyết giữ ổn định quy mô đào tạo vừa, tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo và hội nhập quốc tế. Hai loại hình trường ĐH đó không thể và không nên coi là giống nhau.
Coi cơ chế phân tầng ĐH như một giải pháp hạn chế bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực, GS Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Chúng ta phải tính tới cơ chế phân tầng ĐH như xu hướng thế giới hiện giờ, bởi nguồn nhân lực tùy thuộc vào các thang bậc khác nhau của xã hội, với nhiều nhu cầu khác nhau. Việc thành lập các trường cần tuân theo quy luật đó, có trường đào tạo ra những người nghiên cứu, có trường dành cho các ngành nghề cụ thể khác trong xã hội và ngoài ra, cần tính tới sự điều tiết từ thị trường lao động. Nếu chưa chấp nhận phân tầng ĐH thì việc giải quyết vấn đề nguồn nhân lực sẽ có sự lúng túng.
Phân tầng theo mô hình nào?
Mỗi nền giáo dục có hướng đi khác nhau trong việc phân tầng ĐH. GS Lâm Quang Thiệp (nguyên Vụ trưởng Vụ GDĐH) lưu ý đến hệ thống giáo dục ĐH "ba tầng" ở California (Mỹ). Theo đó, từ năm 1960, các cơ sở giáo dục ĐH công lập ở đây được chia ba tầng: tầng trên cùng tuyển 12,5% tốp trên của học sinh tốt nghiệp THPT, đào tạo cả cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Tầng giữa tuyển 33% học sinh tốt nghiệp THPT, đào tạo cử nhân, thạc sĩ và các bằng cấp nghề nghiệp khác (trừ bậc cao trong ngành luật và y). Tầng dưới cùng nhận toàn bộ học sinh tốt nghiệp THPT còn lại vào học theo các chương trình bổ túc, đào tạo nghề và các chương trình giáo dục đại cương, nhận bằng "á cử nhân" để chuyển tiếp đi học giai đoạn chuyên nghiệp của các trường, viện, ĐH thích hợp khác.
Liên hệ tới giáo dục ĐH Việt Nam, GS Lâm Quang Thiệp khẳng định, trên danh nghĩa, chúng ta có tất cả điều kiện hình thành hệ thống giáo dục ĐH phục vụ tốt cho sự phát triển của đất nước, tuy nhiên, hoạt động của hệ thống này chưa được tổ chức tốt theo kinh nghiệm và thông lệ quốc tế.
Trong cuộc góp ý gần đây nhất cho dự thảo Luật Giáo dục đại học, GS Phạm Phụ, Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã hoan nghênh việc Ban soạn thảo đã tiếp thu việc phân tầng giáo dục ĐH. Giáo sư kiến nghị phân thành 5 tầng: ĐH nghiên cứu, ĐH huấn luyện nghề nghiệp chất lượng cao, ĐH huấn luyện nghề nghiệp đại trà, cao đẳng nghề nghiệp chất lượng cao và cuối cùng là cao đẳng dạy nghề.
TS Đặng Văn Định, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Chu Văn An cho rằng, việc phân loại các cơ sở giáo dục ĐH không có một lời giải duy nhất. TS Đặng Văn Định đánh giá cao cách lựa chọn của Ủy ban Văn hóa Giáo dục - Thanh, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đó là dựa vào chức năng, nhiệm vụ của cơ sở giáo dục ĐH. Theo đó, trong hệ thống sẽ có ĐH Quốc gia, ĐH vùng, các trường ĐH ngành, các trường ĐH địa phương, trường CĐ ngành, trường CĐ địa phương, trường ĐH, CĐ tư thục. TS Đặng Văn Định cho rằng, cũng có thể phân loại theo đẳng cấp, trong hệ thống giáo dục ĐH có các trường ĐH nghiên cứu và trường ĐH, trường CĐ. Và, cũng có thể phân loại theo mô hình tổ chức, theo đó trong hệ thống giáo dục ĐH có ĐH, trường ĐH, học viện, trường CĐ... Mỗi cách làm đều có ưu điểm riêng.
Còn nhiều ý kiến cho rằng phân tầng ĐH rất cần một số điều kiện nhất định, và phân tầng ĐH chỉ là giải pháp mang tính kỹ thuật.
Tuy nhiên, giải pháp này được hy vọng là điểm đột phá quan trọng trong đổi mới giáo dục ĐH.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.