Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm đồng nào, hay đồng ấy!

Minh Quang| 18/07/2010 07:37

(HNM) - 1. Câu chuyện đầu tư cho thể thao đỉnh cao Việt Nam từ nhiều năm nay vẫn chưa có hồi kết. Rõ nhất chỉ là chuyện đầu tư chế độ dinh dưỡng cho các tuyển thủ. Ngày trước, chuyện cào bằng về đầu tư giữa những người giỏi nhất, có tiềm năng đoạt huy chương quốc tế (đặc biệt huy chương ASIAD, Olympic) với những tuyển thủ kém xa về trình độ đã từng được đề cập nhiều lần.

Đấy thực sự là nuối tiếc với các nhà quản lý bởi nhiều VĐV có khả năng đã không được đầu tư đến nơi đến chốn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bỏ lỡ cơ hội giành những huy chương quốc tế cao quý. Mỗi VĐV đều có giai đoạn đạt đỉnh phong độ với điều kiện được hỗ trợ tối đa về tập luyện, thi đấu, chế độ dinh dưỡng, thuốc men. Sau này, khi họ đã qua thời đỉnh cao, ngành có muốn đầu tư mạnh tay cũng chịu. Và thực tế là không phải lúc nào thể thao Việt Nam cũng sản sinh ra nhân tài có thể vươn lên tầm châu lục, thế giới cũng như Olympic. Cũng đã có lúc ngành thể thao đã đầu tư mạnh tay cho các VĐV trọng điểm có khả năng đoạt huy chương Olympic nhưng mọi việc cũng chỉ dừng lại việc chuẩn bị cho một giải đấu chứ không liên tục. Hết giải, VĐV lại về mức cũ, như các VĐV khác.

2. Để nâng mức dinh dưỡng cho các tuyển thủ từ 45.000 đồng lên 60.000 đồng, rồi 120.000 đồng như hiện nay, ngành thể thao cũng phải nỗ lực không ít để nhận được sự chấp thuận của các ngành liên quan. Tuy vậy, trong bối cảnh giá cả đắt đỏ như hiện nay, mức dinh dưỡng ấy có thể phù hợp với người bình thường nhưng với những môn thể thao cần sự bổ sung năng lượng lớn và liên tục, nhất là trong giai đoạn VĐV tập nặng để tích lũy thể lực thì mức dinh dưỡng ấy chưa thể coi là nhiều. Bởi ai cũng biết, VĐV muốn đạt thành tích tốt thì ngoài ăn còn phải uống các loại thuốc bổ. Mà đây lại là vấn đề nan giải bởi kinh phí của ngành thể thao có hạn.

3. Chuẩn bị cho ASIAD 16, đã có thông tin rằng các tuyển thủ sẽ được hỗ trợ thêm 80.000 đồng tiền ăn mỗi ngày từ Ủy ban Olympic Việt Nam. Tuy nhiên, 2 tháng trước ASIAD 16 (diễn ra vào tháng 11-2010), mức hỗ trợ này mới được áp dụng. Như thế mỗi tuyển thủ sẽ được hưởng mức dinh dưỡng 200.000 đồng/ngày. Không phải lần đầu tiên các tuyển thủ được nhận sự hỗ trợ kiểu này, có điều nếu mức hỗ trợ trên được áp dụng sớm hơn thì sẽ tốt hơn bởi đây là giai đoạn VĐV tập nặng, có nhu cầu dinh dưỡng nhiều nhất. Trong khi đó, càng gần giải, VĐV nhiều môn còn phải nhịn ăn, ép cân hoặc ăn uống cầm chừng, lúc đấy có cho thêm tiền ăn cũng đành chịu. Người trong nghề thậm chí còn cho rằng mức dinh dưỡng ấy vẫn chưa phải là lý tưởng nhưng nếu áp dụng trong một thời gian dài, liên tục, sẽ giúp rất nhiều cho VĐV. Đến đây bài toán xã hội hóa cho nhiều bộ môn lại được đặt ra bởi nếu chỉ trông vào ngành thì chưa đủ. Chừng nào các bộ môn chưa đủ năng động để tìm nguồn tài trợ cho các VĐV trọng điểm của mình thì câu chuyện về chế độ dinh dưỡng vẫn còn kéo dài...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm đồng nào, hay đồng ấy!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.