Văn nghệ

Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Khánh:Cần “oxy” để kèn bầu tiếp tục sống

Nguyễn Nhật Thanh thực hiện 11/03/2024 - 18:44

Ngọc Khánh là nghệ sĩ kèn nổi tiếng của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ông đã có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát triển kèn bầu và được mệnh danh là “phù thủy kèn bầu”. Nhân dịp ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, phóng viên Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện để biết thêm về hành trình nghệ thuật của ông.

ken-bau-1.jpg

- Ông có thể chia sẻ đôi dòng cảm xúc khi vừa nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân?

- Nghệ sĩ Nhân dân là một danh hiệu cao quý, đây là niềm vinh dự đối với một người làm nghệ thuật. Hơn nửa thế kỷ tôi gìn giữ nghệ thuật tuồng và cây kèn bầu, tôi hiểu rằng tất cả những gì mà tôi đã rút ruột cho nghệ thuật được nhà nước và nhân dân công nhận. Tôi rất xúc động. Và tôi tự nhủ cần phải tiếp tục cống hiến hết mình cho nền nghệ thuật nước nhà.

- Ông đã biểu diễn kèn sona từ năm 1972 cho đến nay. Cây kèn gắn bó đến mức người ta gọi ông là “Khánh kèn”, “Phù thủy kèn bầu”!

- Biệt danh “Khánh kèn” mà mọi người hay gọi tôi xuất hiện vào năm 1983, do Nghệ sĩ Ưu tú Trần Đại Lý đặt. Vì ông bảo, tôi thổi kèn khác người, thổi xuôi cũng được, thổi ngược cũng được, độc đáo quá. Anh em gọi mãi thành ra đó là cái tên quen thuộc gắn liền với tôi. Một phần vì tôi đã có trên 50 năm biểu diễn kèn bầu, một phần nữa là do tôi đã cải tiến được cây kèn bầu. Cải tiến không phải ở việc tôi chế tác, mà thể hiện ở chỗ tôi sử dụng nó. Từ một cây kèn thường được sử dụng trong đoàn hát tuồng, tôi đã đánh bạo sử dụng cây kèn ấy để thể hiện các bài tân nhạc, dân ca, thậm chí đưa vào dàn nhạc giao hưởng. Đó là điều mà chưa ai dám làm và tưởng chừng không làm được, nhưng tôi dám làm rồi tôi thành công. Gắn bó với nó và có những điều “độc nhất vô nhị” như thế nên người ta mới gọi tôi với cái tên “Khánh kèn” hay “Phù thủy kèn bầu”. Vì tôi làm cây kèn bầu biến hóa khôn lường mà (cười).

- Người ta thường gọi kèn bầu là “kèn đám ma” nhưng ngoài hòa tấu trong tuồng, ông còn độc tấu những bài tân nhạc và khiến người nghe thích thú. Bằng cách nào ông đã tạo được sự hứng thú cho thính giả?

- Chính điều đó là sự thách thức để tôi chứng minh rằng cây kèn của mình là một thứ nhạc cụ vô cùng thú vị. Năm 1992, lần đầu tiên tôi thể hiện ca khúc “Lý ngựa ô” bằng cây kèn bầu và đã khiến người nghe ấn tượng. Rồi sau này, tôi thể hiện các ca khúc như “Ai ra xứ Huế”, “Ngược dòng Hương Giang”, “Mưa trên phố Huế”... cũng khiến người yêu âm nhạc vô cùng thích thú. Cùng với đó, tôi đã có những buổi giao lưu với học sinh, sinh viên ở nhiều trường học. Tôi đã chứng minh cho mọi người thấy “cây kèn đám ma” ấy hoàn toàn có thể trở thành một nhạc cụ rất độc đáo.

- Có một thời gian nghệ sĩ Ngọc Khánh học lối kèn của hát bội Bình Định. Điều đó có ý nghĩa gì trong quá trình ông biểu diễn tại Nhà hát Tuồng Việt Nam?

- Khi học ở Trường Nghệ thuật - Sân khấu Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), tôi may mắn được học các thầy ở Bình Định như Ân A, Văn Bá Anh, Dương Long Căn, Đinh Quả... là những tay kèn cừ khôi của hát bội Bình Định. Sau này, khi đầu quân về Nhà hát Tuồng Việt Nam, tôi có cơ hội được cống hiến hết mình, với đa dạng lối thể hiện.

- Thưa Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Khánh, có thâm niên biểu diễn kèn sona, ông có nhìn thấy khó khăn nào trong việc bảo tồn và phát huy loại nhạc cụ truyền thống này?

- Khó khăn nhất hiện nay là các trường đào tạo ngành nghệ thuật vẫn chưa có môn kèn bầu. Điều ấy dễ khiến nghệ thuật kèn bầu mai một. Do người học không có điều kiện để học chuyên nghiệp, còn người có kinh nghiệm thì không biết truyền dạy cho ai. Tôi lưu giữ nhiều sách vở, giáo trình về kèn bầu nhưng cũng chẳng biết truyền cho ai nữa. Đó là điều tôi luôn trăn trở. Vì tôi biết rằng bây giờ người ta cởi mở với kèn bầu rồi, nhưng chưa có nơi chốn để học tập.

- Chúng tôi biết rằng ông luôn tâm huyết với nghệ thuật dân tộc nói chung và kèn sona nói riêng. Vậy ông có lối đi nào để kèn bầu tránh khỏi đi vào ngõ cụt chăng?

- Như đã chia sẻ, khó khăn nhất là không có trường đào tạo. Vậy để kèn bầu không “tuyệt chủng” thì điều đầu tiên phải làm là mở các lớp đào tạo tại các trường nghệ thuật. Giặc chỗ nào thì cứ nhằm chỗ đấy mà đánh, khó chỗ nào thì cứ đấy mà gỡ. Tôi tự tin là sẽ khả quan. Vì Trường Nghệ thuật Quân đội đã từng mở lớp mời tôi về giảng, và tín hiệu rất tốt là đã có vài nghệ sĩ biểu diễn kèn bầu rất chuyên nghiệp. Chưa nói đến việc đào tạo tử tế, tôi chỉ dạy cho con tôi là Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Anh tại nhà, nhưng anh ấy vẫn có thể sử dụng thông thạo cây kèn sona. Vậy nếu mở lớp dạy bài bản, tôi tin tưởng rằng sẽ cho ra lò nhiều nghệ sĩ kèn bầu tài năng. Và có một lực lượng người biểu diễn hùng hậu, trẻ tuổi thì mới có thể bắt kịp thời đại và tiếp tục kế thừa, lan rộng nghệ thuật kèn bầu đến với công chúng. Nhiều anh em tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đã có kế hoạch mở lớp đàn tính và kèn bầu, do trường thiếu hai lớp nhạc cụ này. Sau năm 2020, đàn tính đã được giảng dạy, còn kèn bầu thì vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Tôi rất mong kèn bầu được đưa vào trong chương trình giảng dạy. Đó là "oxy" để kèn bầu tiếp tục sống.

- Chân thành cảm ơn nghệ sĩ Ngọc Khánh!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Khánh: Cần “oxy” để kèn bầu tiếp tục sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.