Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm động lực cho công nghiệp nông thôn

Nguyễn Mai| 17/08/2011 07:57

(HNM) - Mới đây, UBND TP đã phê duyệt Chương trình Khuyến công địa phương giai đoạn 2011-2015 với kinh phí 86 tỷ đồng cho 7 nội dung theo NĐ 134/2004 của Chính phủ.


Chương trình này đã và đang được kỳ vọng tạo nên bước đột phá mới cho công nghiệp nông thôn Hà Nội; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn ngoại thành theo hướng CNH- HĐH với phương châm "ly nông bất ly hương", giảm sức ép về di dân tự do cho khu vực nội đô Hà Nội.

Đã cấy nghề thành công tại 100 làng, xã



Sản xuất hàng mây giang đan ở huyện Chương Mỹ. Ảnh: Minh Phú


Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp Sở Công thương Hà Nội, toàn thành phố hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó có 244 làng nghề truyền thống và 272 làng nghề được công nhận. Ngành nghề và sản phẩm làng nghề Hà Nội rất đa dạng, phong phú và gần như đầy đủ các nhóm nghề theo hệ thống phân ngành của Cục Thống kê. Nhiều nhất là các nghề: chế biến lương thực thực phẩm, tập trung ở huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai; chế biến gỗ, lâm sản ở huyện Đông Anh, Thường Tín, Thạch Thất, Đan Phượng; sản xuất hàng mây, tre, giang đan, guột tế tại huyện Chương Mỹ, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thanh Oai, Phú Xuyên... và nhiều nghề khác như dệt may, da giày, gốm sứ, đúc đồng, cơ kim khí... Mặc dù có hệ thống làng nghề dày đặc, thu hút khoảng 300.000 lao động thường xuyên và trên 600.000 lao động thời vụ nhưng theo đánh giá của ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, mới chỉ có 20-25% lao động nông thôn qua đào tạo, dẫn đến khó khăn trong tiếp thu công nghệ, kỹ thuật sản xuất mới. Bên cạnh đó, lao động trong khu vực nông thôn vẫn chưa tách rời hẳn sản xuất nông nghiệp, nhiều người vẫn mang tác phong nông nghiệp vào sản xuất công nghiệp nên hiệu quả chưa cao. Ngoài lao động trực tiếp, đội ngũ chủ doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất tại các làng nghề phần lớn chưa được đào tạo chính quy, bài bản, thiếu kiến thức về quản lý, kỹ năng lãnh đạo, điều hành, quản trị DN.

Thực hiện Chương trình Khuyến công địa phương, trong 5 năm qua, đã có 40.800 lao động, trong đó có 1.000 lao động và 250 thợ giỏi được đào tạo, nâng cao tay nghề. Hoạt động truyền nghề, nhân cấy nghề đã góp phần đưa tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt trên 20%, tạo thêm việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Chương trình đã tập huấn khởi sự DN, nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho 3.000 lượt cán bộ làm công tác khuyến công, hơn 5.000 lượt cán bộ làm công tác quản lý DN, cơ sở công nghiệp nông thôn. Nhờ đó đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp chung của toàn TP giai đoạn 2005-2010 lên trên 16%, trong đó, riêng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn giai đoạn 2005-2010 tăng 19,25%. Đặc biệt, các chương trình truyền nghề, dạy nghề đã góp phần làm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế ngoại thành với trên 100 làng xã từ thuần nông trở thành làng xã có nghề.

Động lực cho nông thôn mới

Trong những năm tới, xu hướng đô thị hóa của Hà Nội sẽ tăng rất nhanh, đất nông nghiệp sẽ chuyển mạnh sang phục vụ cho xây dựng đô thị và công nghiệp, kinh tế ngoại thành sẽ chuyển dịch theo hướng công nghiệp dịch vụ, đòi hỏi phải chuyển nhanh lao động nông nghiệp sang sản xuất phi nông nghiệp. TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2015, tỷ trọng công nghiệp nông thôn sẽ chiếm 20-25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn thành phố, thu nhập bình quân của lao động nông thôn đạt khoảng 1,8 triệu đồng/tháng vào năm 2015...

Để đạt mục tiêu đề ra, Hà Nội xây dựng kế hoạch khuyến công giai đoạn 2011-2015, theo 7 nội dung được quy định tại NĐ134/2004 của Chính phủ với tổng kinh phí 86 tỷ đồng, gồm các chương trình: truyền nghề, nhân cấy nghề và đào tạo nghề; nâng cao năng lực quản lý cho lãnh đạo, cán bộ quản lý các DN, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất... Trong đó, hoạt động đào tạo nghề và quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề được coi là nhiệm vụ trọng tâm, Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp sẽ liên kết với các DN, cơ sở sản xuất, các tổ chức chính trị xã hội, các hội, hiệp hội nghề nghiệp, các nghệ nhân, thợ giỏi trên địa bàn TP tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động sau khi được học nghề. Chương trình đào tạo sẽ tập trung vào những nghề truyền thống, nghề có giá trị kinh tế cao và sử dụng nhiều lao động. Số lao động dự kiến được đào tạo nghề trong 5 năm tới khoảng 25.000 người. Đồng thời, thực hiện chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho 8.500 cán bộ quản lý, chủ các cơ sở sản xuất và 4.000 cán bộ, khuyến công viên các cấp trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, chương trình khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất ứng dụng tiến bộ KHKT, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất cũng là mục tiêu giúp các DN, cơ sở sản xuất làng nghề, nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

Mục tiêu trong 5 năm tới, Chương trình sẽ hỗ trợ 10 mô hình trình diễn kỹ thuật, 120 DN, cơ sở sản xuất ứng dụng KHKT mới. Đồng thời, để tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các làng nghề, Chương trình sẽ tích cực xây dựng những cụm liên kết công nghiệp và mô hình liên kết làng nghề với du lịch, đưa công nghiệp nông thôn phát triển, tạo đà cho các địa phương xây dựng nông thôn mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thêm động lực cho công nghiệp nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.