(HNM) - Nghệ thuật đương đại đang có bước trỗi dậy ở nước ta. Sau trình diễn, sắp đặt, tương tác, múa đương đại đã xuất hiện và đang trên đường định hình, đi tìm công chúng. Chương trình
Hành trình tìm ý tưởng
"Nhật ký không gian" là dự án của nhóm múa +84 gồm 5 nghệ sĩ Tuấn Anh, Hùng (giáo viên Trường Múa), Anh Đức, Phượng Hoàng (nghệ sĩ tự do), Toàn (diễn viên Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam). Họ đều tốt nghiệp Trường Múa Việt Nam, đã từng đi thực tập, làm việc về múa tại nước ngoài như Pháp, Đức, Hồng Kông (Trung Quốc)...
Trong tháng 7 vừa qua, đều đặn mỗi buổi tối, các nghệ sĩ của nhóm đều có mặt tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội để gặp gỡ, tập luyện cùng nhau. Không theo quy trình của múa cổ điển, múa hiện đại, họ không tập luyện theo một kịch bản sẵn có. Mỗi vở diễn hoàn toàn dựa trên ý tưởng nghệ sĩ đưa ra trong từng khoảnh khắc tập luyện. Sau mỗi buổi tập, họ bồi đắp thêm những chi tiết, vũ đạo, sân khấu, âm nhạc cho vở diễn. Kết quả của một tuần sáng tạo là một vở diễn hoàn chỉnh, được diễn vào tối thứ 5 hằng tuần. Một bộ bàn ghế văn phòng bình thường, vài chiếc ghế tựa, một bình nước, một dàn phơi có treo vài chiếc áo... cũng tạo nên sân khấu. 5 diễn viên thay đổi vũ đạo, tư thế liên tục.
Vở diễn dần hình thành theo ngẫu hứng của diễn viên và cả sự cảm nhận của khán giả. Nhạc được chọn ngẫu hứng, có khi là pop, lúc là hiphop, khi lại dùng dân ca Việt Nam... sao cho phù hợp với vũ đạo, ý tưởng vở diễn. Qua một tháng tập luyện, họ đã tìm ra được nhiều ý tưởng, hiểu về nghệ thuật của nhau hơn.
Giúp khán giả trải lòng
Cũng giống như nhiều loại hình nghệ thuật đương đại, múa đương đại thường nhận được lời nhận xét "khó hiểu!" của khán giả. Sau mỗi đêm diễn, đoàn múa đều ở lại sân khấu giao lưu, nghe những nhận xét, trả lời câu hỏi của khán giả. Câu hỏi họ nhận được nhiều nhất là: "Vở diễn nói về điều gì?" Tuy nhiên, mỗi khán giả đều có những cảm nhận riêng, cách hiểu riêng về vở diễn. Trong đêm diễn vở thứ 3, một khán giả có tên Quang Anh nhận xét: "Vũ đạo và nhạc nền là bài "Bèo dạt mây trôi" khiến tôi rất xúc động, tôi liên tưởng tới tuổi thơ êm đềm của các nhân vật đang múa". Trong đêm diễn cuối (29-7), khá nhiều khán giả thắc mắc tại sao lại xếp những miếng xốp theo hình khối rồi phá và khiêu vũ trên đó? Có người lại cho rằng, phải chăng, đó là bức tranh thực trạng việc xây dựng của chúng ta? Không bàn tới khía cạnh nội dung vở diễn, chỉ việc khán giả nói ra những nhận xét của mình, lên sân khấu diễn cùng nghệ sĩ, việc khán giả đến đông hơn sau mỗi tuần tập luyện chứng tỏ múa đương đại đang bước đầu thu hút công chúng.
Dự án "Nhật ký không gian" khép lại. Các nghệ sĩ đã tập luyện vất vả, trình diễn cho khán giả miễn phí trong suốt một tháng. Và công chúng không chỉ được thưởng thức những vở múa hoàn chỉnh, họ hiểu hơn về quá trình hình thành một vở múa, về công việc và có những hiểu biết, trải nghiệm nhất định về múa đương đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.