Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm bệnh nhân 13 tuổi tử vong vì bệnh bạch hầu

Thu Hoài - Ngô Đồng| 03/07/2020 19:51

(HNMO) - Chiều 3-7, bé trai 13 tuổi, người Đắk Nông, được đưa về thành phố Hồ Chí Minh điều trị bệnh bạch hầu, đã tử vong, do mắc bạch hầu ác tính. Đây là nạn nhân thứ hai tử vong do bệnh bạch hầu tại thành phố Hồ Chí Minh. Còn tại Đắk Nông, đã có 16 người nhiễm bệnh này.

Bệnh trở nặng do phát hiện muộn

Bé trai G.A.P (ngụ xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong; tỉnh Đắk Nông) được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 26-6.

Bệnh nhi nhiễm bệnh bạch hầu đã tử vong tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó, bé G.A.P đã có 10 ngày điều trị tại bệnh viện địa phương, nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Qua hội chẩn, các chuyên gia nhận định, bé mắc bạch hầu ác tính, biến chứng tim, rối loạn nhịp và suy giảm chức năng co bóp tim. Bệnh nhi được đặt máy tạo nhịp tim ngay trong đêm 26-6.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, từ khi nhập viện đến nay, tình trạng bệnh nhi liên tục chuyển biến xấu. Các bác sĩ nhận định bệnh nhi bị rối loạn nhịp, suy giảm chức năng co bóp tim, viêm cơ tim nặng, men tim tăng cao.

Đến sáng 3-7, bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, suy tim nặng hơn, suy thận mức độ vừa. Bệnh nhi không đáp ứng với các loại thuốc vận mạch liều cao, tim co bóp rất yếu, nhiều vùng cơ tim loạn động. Đầu giờ chiều cùng ngày, bệnh nhi tử vong.

Trước đó, ngày 20-6, Khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh, tiếp nhận bé gái 9 tuổi (ngụ huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) bị bạch hầu ác tính biến chứng tim, thận, do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông chuyển đến. Các bác sĩ đã nỗ lực hồi sức cho bệnh nhi. Tuy nhiên, sau 2 giờ cấp cứu, bé gái này đã không qua khỏi.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu khuyến cáo, bạch hầu là bệnh nguy hiểm, có thể gây chết người và chưa được loại trừ ở Việt Nam. Tuy nhiên, người dân có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin cho trẻ đúng lịch. Người lớn có thể tiêm nhắc lại vắc xin TD (phòng uốn ván - bạch hầu), 5 năm/lần.

Người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh

Ngày 3-7, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết, vừa có thêm một trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại buôn Bu N’doh, xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp), nâng tổng số ca nhiễm vi khuẩn bạch hầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông lên 16 ca. Đó là trường hợp cháu Đ.K (sinh năm 2003), nhập viện với triệu chứng sốt, ho, đau họng…, nghi bạch hầu.

Chốt y tế cách ly vùng có bệnh nhân nhiễm bệnh bạch hầu tại buôn Bu N’doh, xã Đắk Wer (huyện Đắk R’lấp). Ảnh: Ngô Đồng.

Hiện, cơ quan chức năng đã lập 3 điểm chốt chặn, khoanh vùng, cách ly toàn bộ các hộ gia đình tại ổ bệnh. Ngành Y tế đã bố trí nhân lực, vật tư y tế, tiến hành khử khuẩn, khám sàng lọc, điều trị dự phòng bằng kháng sinh và tiêm vắc xin phòng, chống bệnh cho hơn 700 nhân khẩu trong buôn Bu N'doh và khu vực lân cận.

Tính đến đầu tháng 7-2020, phần lớn bệnh nhân nhiễm bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông đều ngụ tại xã Quảng Phú (huyện Krông Nô) và xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong). Đây có thể được coi là 2 "tâm dịch" bạch hầu của tỉnh.

Bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, cho biết: “Ngành Y tế tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ thuốc men cho đồng bào vùng dịch. Nhưng việc quan trọng không kém vào lúc này chính là tuyên truyền để bà con hiểu và làm theo hướng dẫn, vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, tiêm phòng đầy đủ để phòng, chống bệnh bạch hầu nói riêng và các bệnh truyền nhiễm khác. Khi thấy người thân có triệu chứng bệnh, cần đưa ngay đến cơ sở y tế, tránh trường hợp đưa lên muộn, bệnh phát triển nặng, khó cứu chữa như 2 trường hợp tử vong vừa qua”.

Tính đến tối 3-7, cả nước đã phát hiện 27 người nhiễm bệnh bạch hầu, trong đó tỉnh Kon Tum ghi nhận 11 trường hợp dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu và 9 trường hợp mang vi khuẩn nhưng không phát bệnh. Tại tỉnh Đắk Nông có 16 trường hợp dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, trong đó 2 trường hợp đã tử vong.

Bộ Y tế đã ra công điện khẩn gửi các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước yêu cầu khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài, hạn chế ca tử vong.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thêm bệnh nhân 13 tuổi tử vong vì bệnh bạch hầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.