(HNMCT) - Chủ động, kiên trì thực hiện theo những “sợi chỉ đỏ” là các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình công tác của Trung ương và Thành phố, Thể thao Thủ đô luôn vững vàng duy trì vị thế dẫn đầu thể thao cả nước suốt nhiều năm qua. Thời gian tới, vượt qua mọi thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thể thao Thủ đô tiếp tục tập trung phát triển thể thao quần chúng sâu rộng, đồng thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chinh phục đỉnh cao tại các đấu trường quốc tế như Olympic, ASIAD, SEA Games.
Những “sợi chỉ đỏ” quý giá!
Nhiều năm qua, Thể thao Thủ đô luôn duy trì vị thế dẫn đầu thể thao cả nước. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TƯ ngày 1-12-2011 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020”, gắn với đánh giá thực hiện Chỉ thị 10-CT/TU ngày 9-7-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao Thủ đô đến năm 2020” trên địa bàn Thành phố Hà Nội, có thể khẳng định sự nghiệp thể dục thể thao (TDTT) của Thủ đô đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; đạt nhiều thành tích toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, hạn chế các tệ nạn xã hội trên địa bàn Thành phố. Các chỉ tiêu về phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao; công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi; đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng lực lượng cán bộ, cộng tác viên, vận động viên (VĐV); thực hiện xã hội hóa thể thao; củng cố và mở rộng quan hệ quốc tế... đều đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Thể thao Thủ đô luôn giữ vị trí lá cờ đầu và có những đóng góp quan trọng cho ngành TDTT toàn quốc.
Những kết quả đáng quý đó là kết quả của quá trình đầu tư bài bản, bền bỉ, chuyên nghiệp, theo “sợi chỉ đỏ” là Nghị quyết số 08-NQ/TƯ ngày 1-12-2011 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 10-CT/TU ngày 9-7-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Cùng với đó là những định hướng chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố Hà Nội theo từng giai đoạn cụ thể, đơn cử như với "kim chỉ nam" là Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 12-11-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, chủ trương đầu tư sửa chữa, cải tạo cụm 8 công trình thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội phục vụ SEA Games 31 đã được phê duyệt và thực hiện, nay đang ở giai đoạn hoàn thiện, sẵn sàng phục vụ SEA Games 31. UBND Thành phố tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư công cho Sở Văn hóa và Thể thao 7 công trình phục vụ ăn nghỉ, sinh hoạt cho HLV, VĐV. Đặc biệt, không thể không kể đến sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND về các chế độ chính sách cho HLV, VĐV về tiền dinh dưỡng, tiền lương, tiền hỗ trợ tập luyện, tiền thưởng. Ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 86/2020/TT-BTC ngày 26-10-2020, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã chủ động phối hợp các sở, ban, ngành như Sở Tài chính, Sở Tư pháp..., báo cáo UBND Thành phố, trình HĐND ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 23-9-2021 về việc quy định chi tiết mức chi chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với HLV, VĐV của Thành phố Hà Nội. Đó thực sự là nguồn động viên to lớn để HLV, VĐV Thủ đô tiếp tục nỗ lực tập luyện và thi đấu để giành thành tích cao nhất.
Đầu tư với tầm nhìn dài hạn, phát triển mạnh mẽ thể thao phong trào và thể thao thành tích cao
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội và Chương trình 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về “phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, Thể thao Thủ đô phấn đấu đến năm 2025 đạt được một số chỉ tiêu lớn về cả thể thao phong trào và thể thao thành tích cao. Cụ thể: Về TDTT quần chúng, phấn đấu đạt tỷ lệ số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên từ 42,5% trở lên; tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao từ 31% trở lên. Về thể thao thành tích cao, phấn đấu đóng góp tối thiểu 30% lực lượng HLV, VĐV và thành tích huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ thi đấu khu vực, châu lục (SEA Games, ASIAD); phấn đấu có huy chương Olympic.
Đặc biệt, nhằm tạo các cú hích đột phá mới, thể thao Thủ đô phải tăng cường xã hội hóa TDTT thông qua việc tạo cơ chế để các liên đoàn, hiệp hội thể thao phát huy vai trò của mình trong thu hút nguồn lực đầu tư phát triển thể thao phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, tạo chân đế vững chắc. Đồng thời, triển khai các nhiệm vụ với tầm nhìn gắn liền các chu kỳ Olympic, ASIAD, bao gồm việc tập trung xây dựng Kế hoạch đào tạo HLV, VĐV trọng điểm Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030; Kế hoạch xây dựng cơ chế thu hút nhân tài thể thao Thủ đô giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030. Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ của Thể thao thành tích cao Thủ đô là chinh phục đỉnh cao, hướng tới Olympic năm 2024 và Olympic năm 2028; ASIAD năm 2022 và ASIAD năm 2026; đồng thời, giữ vững vị thế, đóng góp chủ lực cho Thể thao Việt Nam tại SEA Games các năm 2022, 2023, 2025.
Để chinh phục được các đấu trường thể thao quốc tế lớn này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã trình UBND Thành phố xem xét phê duyệt Kế hoạch chuyên môn trong lĩnh vực Thể thao Thành tích cao với nhiều điểm nhấn. Thứ nhất, tăng cường đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho các môn thuộc nhóm Olympic và ASIAD. Thứ hai, không đầu tư dàn trải, mà phải chọn nội dung trong nhóm môn Olympic, ASIAD mà Hà Nội có thế mạnh riêng để đầu tư tập trung, lấy đấu trường Olympic làm mục tiêu phấn đấu. Thứ ba, về cách thức đầu tư, phải ưu tiên phát triển khoa học, y học thể thao, ứng dụng khoa học hiện đại trong công tác tuyển chọn các “hạt giống đỏ”, tham mưu, báo cáo UBND Thành phố xem xét, phê duyệt đưa các tài năng này đi tập huấn dài hạn tại các cường quốc thể thao có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, chính trị với nước ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Thứ tư, chú trọng việc mời được các chuyên gia giỏi nghiên cứu, xây dựng chế độ dinh dưỡng đặc biệt đối với các VĐV trọng điểm, bảo đảm cho VĐV phát triển tốt về sức mạnh, sức bền, có tâm lý vững vàng, thể lực tốt nhất tham dự các đấu trường quốc tế. Thứ năm, tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị luyện tập, thi đấu TDTT tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội để trở thành trung tâm đào tạo VĐV cấp cao của cả nước và khu vực, phục vụ tổ chức thành công các giải thể thao tầm cỡ châu lục. Thứ sáu, chú trọng đề xuất, tham mưu xây dựng cơ chế chính sách phù hợp đặc thù của thể thao, bao gồm cơ chế chính sách đãi ngộ đối với các HLV, VĐV đạt thành tích xuất sắc, đặc biệt là các VĐV đạt huy chương Olympic; chế độ chính sách đối với VĐV có nhiều cống hiến, nghỉ tập do quá tuổi, do chấn thương; xem xét cơ chế tuyển dụng giáo viên giáo dục thể chất của các trường phổ thông từ nguồn HLV, VĐV.
Tin rằng, với việc tăng cường đoàn kết, chủ động, sáng tạo, thực hiện tốt những hoạch định chiến lược theo các "sợi chỉ đỏ" của Trung ương và Thành phố đã đề ra, Thể thao Thủ đô chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì vị thế, vững vàng chinh phục nhiều đỉnh cao mới!
8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Thể thao Thủ đô giai đoạn tới
1 - Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về phát triển thể dục thể thao đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền thực hiện tốt các chủ trương của Trung ương và Thành phố về công tác TDTT;
2 - Tiếp tục xây dựng phong trào TDTT quần chúng rộng khắp và bền vững từ cơ sở đến Thành phố;
3 - Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong hệ thống trường học nói chung, đồng thời củng cố, xây dựng và phát triển hệ thống các trường lớp năng khiếu TDTT;
4 - Xây dựng chiến lược phát triển thể thao thành tích cao, ưu tiên đầu tư cho các môn thể thao Olympic, ASIAD;
5 - Tăng cường nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại đáp ứng được yêu cầu về phát triển TDTT;
6 - Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ;
7 - Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về TDTT từ Thành phố đến cơ sở;
8 - Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TDTT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.