(HNM) - Trong Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ có đoạn: Đại La thành ở trung tâm trời đất, được thế rồng chầu, hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước… Dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Thực là chỗ kinh đô muôn đời bền vững. Sử lại ghi nhà vua thấy rồng bay lên, nhân đó đặt tên mới là Thăng Long.
Rồng bay lên? Nó bay lên từ chỗ nào, bay về đâu? Không thấy nói. Có điều chắc chắn là cả người nói lẫn người nghe đều biết rằng rồng là con vật không có thật. Nhưng hồi bấy giờ, xung quanh Đại La thành còn là một vùng sông hồ đầm mênh mông, hơi nước bay lên tụ thành mây hình dáng rồng thì hẳn không mấy ngày không thấy, gặp ráng đỏ chiều hôm, hắt sáng lên thì một người có trí lự, có tư tưởng quy hoạch vĩ đại như Ngài ắt sẽ thấy rồng bay.
Sông Mẹ tải phù sa làm nên châu thổ, bồi đắp văn minh làng xã, một yếu tố đặc biệt của cộng đồng Việt. Ảnh: Xuân Chính
Đó là sự thật của khát vọng thăng hoa.
Vả lại, khi chọn Thăng Long định đô, Vua Lý Thái Tổ đã coi ngàn dặm bằng phẳng của châu thổ, coi sông Hồng, coi miền núi Sơn Tây, Kinh Bắc với trăm họ giàu có là thế trận vừa phát triển vừa phòng thủ cho kinh đô được bền vững. Đó chắc chắn là một khát vọng, một trù liệu.
Về pho tượng đức Lý Thái Tổ hôm nay, có thể còn phải bàn về lễ phục, nhưng cách Ngài cầm chiếu chỉ, mắt cúi nhìn hồ Gươm, nhìn kinh kỳ và giang sơn rất đáng để chiêm bái và ngẫm ngợi. Đã trải qua một ngàn năm, nhiều lắm những biến thiên sao dời vật đổi, từng có phen giặc tàn phá thiêu rụi cả kinh thành, nhưng kinh đô của ngài thì vẫn còn đó với một thành phố nhiều lần lớn rộng hơn, nhà của dân còn nguy nga hơn một thời điện ngọc. Trong những dáng vóc hiện đại hôm nay của con cháu, Đức vua hẳn sẽ rất ngạc nhiên về những cây cầu bắc qua sông Mẹ.
Những cây cầu!
Mỗi thời đại đều có những cây cầu của mình. Có cây cầu tình yêu mà ông bà ta xưa từng hát: Ước gì sông rộng một gang/Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi. Lại có những nhịp cầu kết thân giữa kinh đô với các chúa đất vùng biên viễn, xưa các vua Lý, vua Trần vẫn gả công chúa cho con trai các tộc trưởng, chúa Mường. Đó là nhịp cầu kết thành sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Nhờ vậy và cũng nhờ các chính sách thân dân của nhà Lý, nhà Trần, của thời đại Hồ Chí Minh, dân tộc Đại Việt nhỏ bé của chúng ta mới đủ sức mạnh để chống lại mọi đế quốc hùng mạnh vào bậc nhất mỗi thời.
Các sử gia muốn phong sông Hồng là đệ nhất công thần của nền độc lập trong ý nghĩa là hào lũy hiểm trở. Tôi nghĩ không chỉ có vậy. Sông còn tải phù sa làm nên châu thổ, văn minh làng xã, lập làng mới giữa mênh mông sú vẹt và lau sậy đòi hỏi sức của nhiều người, với nhiều năm tháng. Nguyên hình ảnh chuyền đất đắp đê, hòn đất sáu múi do người thủ mai xắn ra, được vật lên, quăng lên cho người đứng cạnh; sang người thứ hai, thứ ba, thứ một trăm, sao cho sức nặng của nó rời khỏi mình nhanh nhất, hơn nửa thời gian là nằm trên đường bay mà đến lưng đê; nguyên hình ảnh ấy đã đủ cắt nghĩa vì sao người làng phải sống bó bện, phải thương nhau giữa hoang vu. Lại còn trồng tre giữ đất, còn đào ao vượt thổ, còn đau ốm rồi khi mình chết lại cần có xóm giềng khênh chôn. Nhìn một đám tang đông người đưa tiễn và xót thương, đủ hoán cải một tâm tính ngạo ngược hay tu thêm nhân, tích thêm đức và nhờ vậy, cuộc sống của làng càng trở nên thanh bình. Sau bao nhiêu việc đòi hỏi sự ăn ở phải chăng, ở làng xã cũng có thể có cái ác, có thể có cái ngu, nhưng còn già làng, còn sư ông trên chùa, cụ thủ nhang ngoài đình, gặp việc khó con trai ương ngạnh, con gái chê người do cha mẹ chọn, cho đến ông lý, ông trương muốn có sự trị an tử tế thì cứ đến mà hỏi họ, khắc ra lý cố để mọi chuyện lại đâu vào đấy mà không sợ oan sai. Cứ như vậy mà tình làng nghĩa xóm di truyền qua ngàn năm, khi quốc sự thì là kẻ thất phu cũng tự lãnh lấy trách nhiệm ra trận, mỗi làng lập tức biến thành mỗi pháo đài. Đại Việt không xây thành cao hào sâu, không giữ thành bao giờ, giặc đến là chạy, sau mới quay về đánh và bao giờ cũng thắng. Như một định mệnh trong khúc quanh lịch sử, Hồ Quý Ly xây thành An Tôn (thành nhà Hồ), làm cuộc đổi dời, tìm nơi thủ hiểm nhưng đã bại trận, nước mất nhà tan.
Không có tỉ ti làng xã, cộng đồng bé nhỏ ấy, lấy đâu ra các thành thị, rồi ra kinh sư cho muôn đời, để hôm nay ta vui rộn ràng. Làng xã là một yếu tố đặc biệt của cộng đồng Việt. Không những để hơn một ngàn năm người Việt vẫn giữ được cốt cách của mình, nó còn phản ánh vào sinh hoạt triều chính như một hệ quy chiếu ngược lại so với hệ quy chiếu Khổng Mạnh. Dân chủ làng xã ùa vào triều đình, triều đình gần dân hơn. Vâng, câu kết của Chiếu dời đô không phải hai chữ “Khâm thử” vốn là mệnh lệnh thức quen thuộc, mà là “Các ngươi nghĩ sao?”. Chiếu là pháp lệnh mà còn hỏi dân, còn muốn dân bàn thêm, huống chi là việc vẫn đương khi bàn bạc, phải tự do dân chủ và thấu đáo biết dường nào.
Ai chả biết, khi đã làm vua, việc lấy ai, ăn nằm với ai đều được quan liêu hóa; liên can đến sự an nguy của các nhóm quyền lực, nói thác ra là sự an nguy xã tắc cả. Việc trước, do Bộ Lại làm, việc sau do Tổng quản Thái giám, ghi vào sử sách cụ thể. Đào hoa ghê gớm như Càn Long, cũng chỉ dám vui vẻ ngoài dân gian trên những chuyến vi hành phương Nam, chứ không thể tự ý mang mỹ nhân lý lịch không rõ ràng về nội cung. Nhưng Lý Thánh Tông thì “vượt rào”, gặp mỹ nhân đứng tựa gốc lan lấy về sau phong là Nguyên phi Ỷ Lan. Rồi lại vượt khi trao quyền nhiếp chính cho Nguyên phi để đi đánh ngoại xâm. Trao nước cho một người có lý lịch không rõ ràng, nhưng có tình yêu (cái này thì vua biết hơn ai hết) và trí lự là vua “tôi luyện” niềm tin của mình, của triều đình. Vả chăng, chả phải minh triết lắm, mới thấy triều đình luôn luôn cần bồi bổ khí lực trẻ trung và trí tuệ dân gian đúc kết cả ngàn năm; chứ ở chốn cung đình, mọi nói năng cư xử đều phải sách vở hóa, quy chế quan liêu hóa, bề tôi lúc nào cũng vâng vâng dạ dạ “bệ hạ sáng suốt” với “thánh thượng vạn tuế” thì trí lự không cùn mòn mới là sự lạ!
Ngày độc lập, Hồ Chí Minh hỏi “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Rồi khi phải sang Pháp vận động ngoại giao dài ngày, quyền Chủ tịch nước được Người trao cho cụ Huỳnh Thúc Kháng. Việc ấy cho chúng ta mở rộng sự nghĩ ngợi về nguyên tắc của lòng tin cậy. Cụ Huỳnh không đảng phái, đương kim Phó Chủ tịch nước, nhưng là nhà Nho có tư chất chí sỹ, lòng yêu nước chống ngoại xâm hiển lộ qua 17 năm làm báo Tiếng dân, người thế không thể làm bất cứ việc gì khiến ô danh. Nguyên tắc niềm tin của Hồ Chí Minh không dựa trên các điều lệ đảng phái, không coi quá trình thử thách trong Đảng là duy nhất có giá trị. Dựa trên chân lý từng kết tinh cả ngàn năm Đại Việt, đó chính là điều mà Cụ Hồ lấy làm cái bất biến để dặn cụ Huỳnh ứng xử với mọi biến động trong tình thế nền cộng hòa non trẻ như trứng để đầu đẳng năm 1946.
Quan hệ làng nước ở ta, phải nói là nó đặc biệt. Bên Trung Quốc, lịch sử làng xã bắt đầu từ việc phong vương (hầu, bá, tử, nam) kiến địa sau khi đã theo minh chủ khởi nghĩa hay thôn tính nước khác thành công. Làng xã do đó mà của ông chủ được phong, dân chỉ là kẻ ăn người ở. Sông Hồng bắt nguồn từ Nguy Sơn, Trung Quốc chảy vào đất Việt ở Lào Cai rồi ra biển Đông; sau khi đã dành những hạt phù sa mang từ núi rừng tấp lên bờ làm nguồn nuôi dưỡng cho dân Việt. Từ chi tiết địa lý ấy sực nhớ câu chuyện cũ: Tề Án Anh sang sứ nước Sở, do bé người, hình dung xấu xí. Vua quan Sở dựng chuyện để chế nhạo, cho giải một tù nhân qua sứ quán, nói là người nước Tề bị bắt vì trộm cướp, hỏi sao người Tề xấu thế? Án Anh ung dung nói, người Tề ở nước Tề thì tốt, sang ở nước Sở thành kẻ trộm cướp; như giống quýt trồng ở nước Tề thì ngọt, mang sang nước Sở trồng thì chua. Không biết chuyện ấy thật đến ngần nào, nhưng có một sự thật ai ai cũng biết, là dân Việt gọi sông Hồng là sông Mẹ, sông Cái như một sự tri ân và công khai: Dù khởi nguyên từ Trung Quốc, nhưng sông đã sinh ra cho xứ sở này sự khác biệt về văn hóa, về phong tục và đó chính là sức mạnh tiềm tàng.
Men theo cái thế rồng cuộn quanh Hà Nội của sông Hồng, chúng ta gặp chi chít các địa chỉ văn hóa, tâm linh. Đầu cầu Chương Dương phía bên kia là đền Ghềnh, nghe nói Công chúa Huyền Trân khi Vua Chiêm chết, đã trở về tu hành tại đây. Khi bà hóa, tro cốt được rắc xuống bến Ghềnh, để dễ hòa nhập với phong tục quê chồng, dù không có tình yêu thì cũng là nghĩa phu thê mấy năm thời đầu xanh tuổi trẻ. Đi thêm một quãng nữa là Bát Tràng, nghe nói dân làm gốm sứ theo Lý Thái Tổ từ Hoa Lư về, tiếp tục làm đồ gia dụng, đồ thờ cúng và gốm xây dựng cho Hoàng cung. Cái hồn hậu, mộc mạc nhưng tinh tế khéo léo của gốm Bát Tràng đã trở thành nét đặc trưng của gia đình Việt, tâm hồn Đại Việt. Xuôi nữa, ta lại gặp đền Chử Đồng Tử, một cổ tích đẹp nhất mà nhân loại có được. Bạn bè thế giới du học tại Việt Nam, bạn chẳng cần học gì nhiều. Chỉ một chuyện Tiên Dung - Đồng Tử gặp nhau tại bãi cát bến sông này, do lỡ nhìn thân thể nhau khi tắm, đã thành tình yêu, bất chấp vua cha dọa từ rồi bỏ đói, Tiên Dung vẫn nhẹ nhõm về làm vợ chàng Đồng Tử nghèo đến không có khố mà vận. Chỉ một chuyện ấy thôi, bạn đủ hiểu người Việt quý trọng tình yêu và nhân nghĩa đến thế nào, vì dân tộc này đã thờ cặp tình yêu ấy là một trong Tứ Thánh Bất Tử của tâm linh.
(còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.