Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thế giới ghi nhận hơn 66 triệu trường hợp mắc Covid-19

Minh Hiếu| 05/12/2020 06:16

(HNMO) - Tính đến 6h ngày 5-12, toàn thế giới có 66.165.965 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.523.109 trường hợp tử vong và 45.767.776 bệnh nhân đã hồi phục.

Các nhân viên y tế trong đơn vị chăm sóc đặc biệt về Covid-19 tại Trung tâm Y tế United Memorial ở thành phố Houston (Mỹ) vào ngày 26-11. Ảnh: Getty Images.

Ngày 4-12, tại một cuộc họp đặc biệt về đại dịch Covid-19 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley cảnh báo: Nạn đói đang “gõ cửa” hàng chục quốc gia và năm 2021 có thể là năm khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ khi Liên hợp quốc thành lập. Theo tính toán của Liên hợp quốc, đại dịch và các biện pháp mà các quốc gia đang thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã khiến số người cần trợ giúp nhân đạo tăng 40%.

Trong bối cảnh đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi phân phối vắc xin cho tất cả mọi người, trong đó các nước giàu cần hỗ trợ các nước đang phát triển chống lại đại dịch cũng như phục hồi sau khủng hoảng.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, những tiến bộ gần đây trong phát triển và phân phối vắc xin ngừa Covid-19 là rất tích cực, song điều này lại làm gia tăng nhận thức sai lầm của một số người cho rằng đại dịch đã kết thúc. Quan chức WHO nhấn mạnh, chặng đường phía trước còn rất dài và chính những hành động của người dân và các chính phủ sẽ quyết định diễn biến của tình hình dịch bệnh trong thời gian tới.

Theo ông Ghebreyesus, bên cạnh khủng hoảng y tế còn là khủng hoảng về xã hội, kinh tế, chính trị và nhân đạo. Do đó, Tổng Giám đốc WHO đề xuất 4 lĩnh vực chính mà các quốc gia cần đầu tư, bao gồm các loại vắc xin ngừa Covid-19; chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch tiếp theo; y tế là nền tảng của hòa bình và thịnh vượng; chủ nghĩa đa phương để bảo vệ tương lai chung của thế giới.

Châu Âu

Ngày 4-12, Cơ quan quản lý dược phẩm và các sản phẩm y tế của Anh khẳng định, vắc xin ngừa Covid-19 của hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn. Cơ quan này nhấn mạnh, bất kỳ loại vắc xin nào cũng phải trải qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng với quy trình gắt gao theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, sẽ không có loại vắc xin nào được phép phân phối tại Anh nếu không đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn và hiệu quả.

Ngày 4-12, Bộ trưởng Y tế Na Uy Bent Hoeie thông báo, nước này đang lên kế hoạch sử dụng 3 loại vắc xin ngừa Covid-19 do các hãng Moderna, AstraZeneca và Pfizer/BioNTech phát triển để tiêm phòng cho người dân. Dự kiến, Chính phủ Na Uy sẽ nhận được 2,5 triệu liều vắc xin vào đầu năm tới, đủ cho 1,25 triệu người. Bộ trưởng B.Hoeie lạc quan rằng, tới lễ Phục sinh vào đầu tháng 4 năm sau, tình hình dịch bệnh tại Na Uy sẽ có chuyển biến tích cực.

Chính phủ Thụy Điển cho biết, khoảng 600.000 người trong các viện dưỡng lão, nhân viên và người thân của họ sẽ là nhóm đầu tiên được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, sau đó là các nhân viên y tế, những người trên 70 tuổi và các nhóm có nguy cơ cao khác. Thụy Điển đã đặt mua 6 loại vắc xin, trong đó có 5 loại theo cơ chế mua chung của EU.

Châu Mỹ

Mỹ hiện có hơn 14,7 triệu trường hợp mắc Covid-19, trong đó có hơn 280.000 người tử vong.

Ngày 4-12, Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia, đồng thời là bác sĩ hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm cảnh báo, nước này vẫn chưa trải qua đỉnh dịch hậu kỳ nghỉ lễ Tạ ơn, mặc dù các bang đã ghi nhận số ca lây nhiễm tăng kỷ lục trong tuần qua.

Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cho biết, đà phục hồi kinh tế của nước này đang bị đình trệ bởi số ca mắc Covid-19 tăng cao đột biến khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa. Thị trường lao động Mỹ mất gần 35.000 việc làm trong lĩnh vực bán lẻ trong tháng 11, còn số người thất nghiệp dài hạn tăng thêm 385.000 người.

Châu Á - châu Đại Dương

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, nước này sẽ có vắc xin ngừa Covid-19 trong vài tuần tới. Theo nhà lãnh đạo này, hiện có 8 loại vắc xin đang trong quá trình thử nghiệm với quy trình sản xuất được bảo đảm tại nước này. Chính phủ Ấn Độ đang thảo luận với giới chức các bang về giá vắc xin và các nhân viên y tế tuyến đầu sẽ là những người được ưu tiên tiêm phòng.

Ngày 4-12, Chính phủ Australia cho biết, đại dịch Covid-19 bùng phát đang làm thay đổi quy mô và sự phân bố dân số của nước này. Theo ước tính của Trung tâm Dân số Australia, vào năm 2031, dân số Australia dự kiến sẽ giảm 1,1 triệu người và độ tuổi trung bình của người dân là 40, tăng 1 tuổi so với trước đại dịch. Nguyên nhân là do người dân có xu hướng sinh ít con hơn và việc đóng cửa biên giới khiến số người di cư trẻ tuổi vào nước này giảm mạnh.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thế giới ghi nhận hơn 66 triệu trường hợp mắc Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.