(HNMO) - Ngày 13-10, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên công bố báo cáo Sức sống Hành tinh 2022. Theo đó, quần thể các loài hoang dã thuộc các lớp thú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá đã giảm trung bình 69% kể từ năm 1970.
Chỉ số Sức sống Hành tinh (LPI) là một chỉ số giúp cảnh báo sớm về tình trạng sức khỏe và thiên nhiên do Hiệp hội Động vật học London nghiên cứu. Báo cáo năm 2022 sử dụng dữ liệu gần 32.000 quần thể của 5.230 loài, chỉ ra rằng, các loài động vật hoang dã có xương sống đang giảm mạnh với tỷ lệ đáng báo động tại các khu vực nhiệt đới.
Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên đặc biệt lo ngại trước tình trạng trên bởi những khu vực này cũng là những nơi có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Cụ thể, dữ liệu LPI cho thấy, từ năm 1970 đến 2018, những quần thể động vật hoang dã được giám sát tại châu Á - Thái Bình Dương giảm trung bình 55%. Con số này tại châu Phi, khu vực Mỹ Latinh và khu vực Caribbe là 94%.
Nguyên nhân chính làm suy giảm các quần thể động vật hoang dã là suy thoái môi trường sống do con người phát triển và nuôi trồng, khai thác không hợp lý, sự du nhập của các loài xâm lấn, ô nhiễm, biến đổi khí hậu và dịch bệnh.
Báo cáo LPI chỉ rõ, để xây dựng một tương lai trong đó thiên nhiên được bồi hoàn thì cộng đồng địa phương và người bản địa trên khắp thế giới phải được công nhận quyền trong việc tham gia quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên cho biết, việc tăng cường các nỗ lực bảo tồn, phục hồi, sản xuất và tiêu thụ thực phẩm một cách bền vững, nhanh chóng cắt giảm lượng các bon trong tất cả các ngành sẽ giúp giảm thiểu tác động của khủng hoảng kép về biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.
Tổ chức này cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách thực hiện chuyển đổi nền kinh tế để bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.