(HNMO) - Chiều 21-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Thể hiện tính chất đặc thù của cảnh sát cơ động
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Cảnh sát cơ động, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, với tính chất đặc thù và yêu cầu nhiệm vụ ngày càng phức tạp trong tình hình mới, đặt ra yêu cầu phải xây dựng các quy định ở tầm luật để điều chỉnh về hoạt động, tổ chức, trang bị, chế độ, chính sách đối với cảnh sát cơ động so với các nội dung được quy định tại Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013.
Dự thảo Luật gồm 5 chương, 31 điều, nội dung cơ bản được xây dựng trên cơ sở bám sát các giải pháp của 4 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động của cảnh sát cơ động. Trong đó xác định 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản; quy định cụ thể 7 quyền hạn; bổ sung, làm rõ các quy định liên quan hoạt động của cảnh sát cơ động...
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động tại Điều 13 dự thảo Luật, Chính phủ xây dựng 2 phương án trình Quốc hội xem xét cho ý kiến. Phương án 1 là Chính phủ đề nghị tại dự thảo Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018. Phương án 2 là tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng bổ sung quy định về cơ cấu các lực lượng thuộc cảnh sát cơ động gồm 6 lực lượng.
Về vấn đề này, trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cảnh sát cơ động, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cơ bản nhất trí với phương án 1 của dự thảo Luật vì cơ bản thống nhất với pháp luật hiện hành, đồng thời bảo đảm linh hoạt trong quá trình tổ chức lực lượng theo yêu cầu thực tế đặt ra.
“Bên cạnh đó, một số ý kiến nhất trí phương án 2 của dự thảo Luật để thể hiện tính chất đặc thù của cảnh sát cơ động, đồng thời đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể cơ cấu tổ chức của cảnh sát cơ động để bảo đảm chặt chẽ”, ông Lê Tấn Tới nói.
Bảo đảm thi hành đầy đủ các cam kết quốc tế về bảo hộ sở hữu trí tuệ
Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 2 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm chính sách đã được thông qua. Trong đó, bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan và bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.
Về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, ngoài theo quy định hiện hành, Chính phủ đưa ra phương án sửa đổi là tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí (là kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước) và có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký.
Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Chính phủ cũng đưa ra phương án sửa đổi là biện pháp xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản nhất trí phương án sửa đổi của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án này theo hướng bổ sung, làm rõ “cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả”.
Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy, phương án không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính có một số điểm chưa hợp lý, do đó đề nghị vẫn giữ quy định của Luật hiện hành về áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Sau khi nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.