Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thẻ cào điện thoại: Từ tiện ích trở thành "công cụ" đánh bạc

Việt Nga| 02/04/2018 07:05

(HNM) - Theo Bộ Công an, số tiền đánh bạc qua các cổng thanh toán trong vụ game đánh bạc qua mạng Rikvip/Tip.club là gần 9.600 tỷ đồng, trong đó riêng phần được nạp bằng thẻ viễn thông và thẻ game lên tới gần 9.300 tỷ đồng.

Thẻ cào - tiện ích cho người dùng di động

Dịch vụ di động có mặt ở Việt Nam đã 25 năm, bắt đầu bằng việc mạng MobiFone ra đời. Tuy nhiên, ở thời điểm đó MobiFone chỉ phát triển thuê bao trả sau. Đến năm 1995, có thêm mạng di động VinaPhone và đến năm 1999 chính nhà mạng này đã tiên phong phát triển thuê bao trả trước. Cùng với sự ra đời của loại hình thuê bao trả trước, thẻ cào điện thoại (còn gọi là thẻ nạp, thẻ viễn thông) được các nhà cung cấp dịch vụ di động đưa ra thị trường để phục vụ việc thanh toán cước cho thuê bao trả trước.

Trong số hơn 120 triệu thuê bao di động hiện nay thì hầu hết là thuê bao trả trước (3 nhà mạng lớn Viettel, MobiFone, VinaPhone mỗi nhà mạng có trên dưới 2 triệu thuê bao trả sau). Để phục vụ lượng khách hàng khá đông này, các nhà mạng lớn đặc biệt là VNPT (VinaPhone), Viettel, MobiFone đã phát triển hệ thống kênh phân phối với hàng chục nghìn đại lý, điểm bán sim điện thoại, thẻ nạp ở khắp các ngóc ngách, vùng miền.

Bà Nguyễn Thị Chung, 63 tuổi, đã nghỉ hưu, ở tổ 8 Mỗ Lao, phường Mộ Lao, quận Hà Đông cho biết: "Tôi dùng dịch vụ MobiFone nhiều năm nay và thường ra hàng đại lý đầu ngõ mua thẻ cào về nạp tiền. Tôi thấy rất tiện lợi khi sử dụng”. Đây chỉ là một trong số hàng chục triệu khách hàng đã, đang sử dụng các dịch vụ viễn thông nói chung và di động trả trước nói riêng cảm nhận rõ sự thuận tiện khi dùng dịch vụ thanh toán cước viễn thông của mình.

Thẻ cào bị lợi dụng

Thẻ cào điện thoại của các nhà mạng ra đời với mục đích là để phục vụ cho thuê bao của mình. Tuy nhiên, từ sự tiện ích của loại thẻ này, khiến chúng trở nên phổ biến trong việc đáp ứng nhu cầu người dùng. Trong khi đó, do không có công cụ quản lý, hoạt động của các thẻ viễn thông này đã tạo kẽ hở để các đối tượng lợi dụng phạm pháp.

Cụ thể, trong vụ Rikvip, các con bạc đã tạo tài khoản, sau đó nạp tiền bằng thẻ cào điện thoại của nhà mạng để mua điểm ảo (gọi là Rik) trong game, nạp thẻ game (của các nhà cung cấp game), hoặc nạp từ tài khoản ngân hàng, hoặc mua thẻ trực tiếp từ các đại lý.

Sau khi thắng - thua, con bạc có thể quy đổi Rik thành tiền, thông qua bán cho đại lý hoặc hiện vật có giá trị là mã thẻ viễn thông, mã thẻ game, nạp tài khoản điện thoại, thông qua các cổng trung gian thanh toán. Điều đáng nói ở chỗ, game cờ bạc trá hình Rikvip không được cấp phép và như vậy các cá nhân lập tài khoản chơi bạc là vi phạm pháp luật. Trong khi đó, cơ quan giám sát tội phạm trên mạng là Bộ Công an, trong đó có cả quan chức Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an lại "tiếp tay" cho hoạt động phạm pháp này…

Theo các nhà mạng lớn, nhu cầu sử dụng thẻ cào để nạp tiền điện thoại là có thật và rất lớn - đó là tiện ích mà nhà mạng cung cấp để phục vụ khách hàng của mình. Vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý hữu hiệu để bịt ngay những "lỗ hổng" có thể bị lợi dụng vào mục đích bất chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẻ cào điện thoại: Từ tiện ích trở thành "công cụ" đánh bạc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.